NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

60. LỆ THỦY

TÌNH QUẾ LÂM QUA CÁC THẾ HỆ

Lệ Thủy

Tôi không còn nhớ chính xác là trong hoàn cảnh nào và vào năm nào mà tôi, Tuyết Minh, Nữ Hiếu lại nhận nhau là chị em. Chỉ nhớ hồi học ở Quế Lâm, Hiếu là một cô bé rất đáng yêu. Khi mẹ Hiếu viết thư sang, Hiếu hay cho chúng tôi đọc, trong lá thư nào bà cũng nhắc câu “con gái bé bỏng của mẹ”. Tôi được biết hồi còn nhỏ, Hiếu bị bệnh lao xương nên chân yếu phải bó bột nhiều năm và phải có sự chăm sóc của mẹ, nên đi xa nhà thế này bà rất lo cho Hiếu.
Đọc những lá thư của bà gửi thấy thương Hiếu, đôi lần bà cũng viết thư cho tôi và Tuyết Minh vì biết chúng tôi thân nhau, nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi kết nghĩa chị em với Hiếu, chăm sóc Hiếu như đứa em gái của mình.

Trong ba chúng tôi Tuyết Minh nhiều tuổi hơn cả, nhưng Minh và tôi lại là đồng hương, hai gia đình quen nhau, nên chúng tôi là bạn từ trước, chỉ có cô em Nữ Hiếu là bé bỏng hơn cả nên là em. Thế là từ đó chúng tôi coi nhau như chị em, có niềm vui nỗi buồn gì đều cùng nhau chia sẻ.

Học hết lớp 7, trường Quế Lâm cho chúng tôi về Việt Nam thăm gia đình, gia đình giữ Hiếu ở lại nhà, tôi và Tuyết Minh sang Nam Ninh học lớp 8. Tuy nhận nhau như chị em nhưng chúng tôi vẫn còn có chút e ngại, đôi khi giấu giếm tình cảm của mình.

Năm 1958 trở về Việt Nam, chúng tôi mỗi đứa một nơi, tôi và Nữ Hiếu ở Hà Nội, tôi học trường Chu Văn An, Hiếu học trường Trưng Vương, còn Minh về Phú Thọ học trường Hùng Vương.

Học xong Phổ thông, tôi và Minh được gọi đi học Nga văn để sang Liên Xô học đại học. Hiếu không đi vì nhà đã có chị đi rồi, một lần nữa chúng tôi lại xa nhau. Sang Liên Xô, tôi học ở Matxcơva, còn Minh học tại Leningrad, chúng tôi luôn viết thư cho nhau. Nhưng thời đó thư từ khó khăn lắm, cứ sau 15 ngày gửi đi mới nhận được, vậy là cả tháng sau mới có phản hồi.

Tốt nghiệp đại học, tôi về Hà Nội làm việc tại xí nghiệp Bánh kẹo Hải Châu, thỉnh thoảng tôi đến thăm gia đình Hiếu. Ở đây, tôi không kể về Tuyết Minh mà chỉ kể riêng về cô em Nữ Hiếu:

Điều làm tôi nhớ nhất là khi tôi sắp lấy chồng, tôi đến thưa chuyện với mẹ Hiếu (bố Hiếu thường đi làm về muộn lắm, có khi lại đi công tác xa nữa), bà hỏi tôi: "Con có cần mẹ giúp gì không? Có cần vải may chăn không? Có cần bánh kẹo không?”. Tôi ngập ngừng chưa dám trả lời, bà nói luôn: “Thôi để mẹ mua cho mấy thứ”. Thế là bà vào cửa hàng Giao Tế mua ngay cho tôi một chiếc vỏ chăn rất đẹp. Chắc là bà biết tôi làm ở xí nghiệp bánh kẹo nên không mua bánh kẹo nữa. Chắc hẳn, chúng ta ai cũng nhớ cái năm 1967 ấy khó khăn lắm, để chuẩn bị cho một đám cưới cái gì cũng phải tem phiếu. Muốn may một cái vỏ chăn phải tốn 10 mét vải, trong khi đó cán bộ chỉ được phát phiếu có 5 mét mỗi năm thôi. Tôi không quên được hình ảnh của bà, người phụ nữ sinh ra trong một gia đình quý phái giầu có như thế mà lại chu đáo, chăm chút các con tỉ mỉ đến vậy, kể cả con nuôi nữa. Bà lúc nào cũng dịu dàng, cởi mở khiến tôi chẳng e dè gì, hay tâm sự với bà như với mẹ mình. Thật tiếc, khi bà mất tôi đang ở xa không về tiễn đưa bà tới nơi an nghỉ cuối cùng được. Tôi thấy ái ngại, cứ hẹn với Hiếu là khi nào đi thăm mộ mẹ nhớ cho chị đi cùng mà mãi vẫn chưa thực hiện được!

Đấy là nói về tình cảm của các bậc cha mẹ, còn chúng tôi thì sao? Hiếu là một người chu đáo giống như mẹ. Gia đình tôi có việc gì liên quan đến bác sĩ là Hiếu có mặt. Nhớ khi mẹ chồng tôi bị tai biến, nghe tôi gọi, Hiếu đến ngay, mặc dầu hôm đó trời mưa to gió lớn. Kể cả hôm bà mẹ hai của tôi mất, tôi cũng gọi cho Hiếu nhờ đưa bà vào nhà lạnh của bệnh viện 108, Hiếu thực hiện ngay. Đến khi tôi bị co thắt động mạch vành phải đi nong, Hiếu liền bảo với cháu Lân Hiếu (con trai của Hiếu) phải kiểm tra cho tôi thật cẩn thận. Khi có quyết định mổ thì đúng dịp cháu Hiếu sắp phải đi công tác nước ngoài, Hiếu còn nói: “Con hoãn hoặc đổi lại để chữa cho bác cẩn thận, chẳng may có gì xảy ra, mẹ không biết nói thế nào với bác trai và các anh chị bên nhà đâu!”. Câu nói đó của Hiếu, mỗi khi tôi kể lại với bạn bè là nước mắt lại ứa ra! Cảm động vì Hiếu coi tôi như người chị ruột thịt của mình. Vừa rồi tôi bị đi mổ nạo gai khớp gối, Hiếu đưa cho tôi một chiếc nạng, sau đó lại đưa chiếc thứ hai. Tôi định đi mua đôi khác để trả cho Hiếu, Hiếu nói ngay: "Chị cứ dùng đi, em không dùng đến nữa, mua làm gì! Khi nào em cần sẽ mua sau cũng được”. Chồng tôi và các con tôi rất tôn trọng tình cảm đó nên mỗi khi hội Quế Lâm đến nhà, mọi người đều rất nhiệt tình.

Không phải chỉ riêng đối với tôi Hiếu ân cần như vậy, mà với tất cả chúng ta, bất cứ ai cần sự giúp đỡ đều được Hiếu sẵn sàng như Phạm Quốc Anh ở khối 6, Đỗ Thế Hùng ở khối 3 và nhiều bạn khác nữa.

Tôi kể câu chuyện này ra để chúng ta cùng tự hào về những người bạn Quế Lâm đã đem những tình cảm chân thành của bản thân mình truyền sang cho các thành viên trong gia đình, khiến những người trong gia đình đó cũng yêu quý chúng ta như người thân.
Còn gì vui sướng hơn chúng ta là một đại gia đình không thể thiếu nhau!

* * *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét