NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

50. 51. 52 NGUYỆT ÁNH (3 bài )

50. TÂM SỰ NGÀY TẾT
Nguyệt Ánh

Tết đã qua rồi, nhưng hôm nay tôi lại muốn được trao đổi với các bạn những ý nghĩ của mình về cái tết. Tôi nghĩ rằng ai cũng đón tết nhưng mỗi người đón tết một cách khác nhau với những suy nghĩ khác nhau và tâm tư khác nhau. Nếu ai đó đặt câu hỏi: Tết là gì? thì bạn sẽ trả lời thế nào? Còn tôi, câu trả lời sẽ là: Tết là một ngày Giỗ lớn. Cảm nhận của tôi về ngày tết là như thế và tôi biết rất rõ rằng tôi đã có được cảm nhận này là từ Ba tôi.

Mẹ tôi mất ở huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, ngày 18-5-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít lâu. Lúc này cơ quan đang chuyển dần về Tuyên Quang để chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Ba đang đi dự lớp chỉnh huấn, đây là lớp chỉnh huấn cuối cùng của cán bộ cao cấp ở Việt Bắc. Hôm đó Mẹ thấy mệt, lên giường nằm rồi mê man luôn. Bốn ngày sau Ba mới nhận được tin báo khẩn cấp và người liên lạc chở Ba trên xe đạp một ngày sau mới về đến nhà. Ba hết sức cứu chữa mà không cứu được Mẹ. Bà đã mất sau 6 ngày mê man bất tỉnh và sau đúng 24 giờ từ khi Ba tôi về đến nhà. Đấy là bà chờ ông để được gặp ông lần cuối. Cả cuộc đời Me tôi là một chuỗi ngày chờ đợi để được gặp Ba tôi. Ba tôi đi sang Nhật để nghiên cứu về nấm và vi trùng từ năm 1943, khi em gái tôi mới được một tháng tuổi. Suốt 6 năm trời Me tôi một mình nuôi 3 con nhỏ và chờ đợi Ba tôi trở về. Rồi đột ngột bà nhận được tin Ba tôi đã trốn khỏi Nhật, nhưng không về Hà Nội, cũng không về Huế mà về với Chính phủ Kháng chiến ở Việt Bắc. Chẳng biết Việt Bắc là ở đâu, đường đi đến đó gian nan vất vả thế nào, chỉ biết rằng phải đi ngay đến đó để gặp Ba. Thế là một nách 3 đứa con nhỏ Mẹ rời Huế lên đường ra Việt Bắc. Không thể nói hết được nỗi cực khổ mà Mẹ phải chịu đựng trên con đường đi tìm Ba. Tôi và em Quý có lúc được gánh, được cõng, còn Me và anh Minh thì trèo đèo, lội suối, khi đi, khi chạy, khi lê lết từng bước, tất cả chỉ bằng đôi chân của mình. Thế rồi sau 6 tháng trời, một khoảng thời gian tưởng như dài vô tận, cuối cùng chúng tôi đã gặp Ba. Đó là vào cuối năm 1950, bắt đầu những ngày sống hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Ba tôi say sưa nghiên cứu và đã thành công trong việc sản xuất nước lọc Penicilin. Ba làm việc ngày đêm trong phòng thí nghiệm. Để được gần Ba, Me cũng xin đi làm và trở thành nhân viên bào chế trong phòng thí nghiệm của Ba.

Ba tôi có óc thẩm mỹ lại thừa hưởng nghề xem địa lý của ông nội nên ông đã tìm được một ngọn đồi rất đẹp để xây dựng nơi làm việc và nơi ở của mình. Nơi đây có phòng thí nghiệm Penicilin, có xưởng bào chế ở ngay sát bờ suối. Phía bên kia là nhà của tập thể và ngôi nhà của gia đình tôi. Nhà dựng bằng tre nứa nhưng rất đẹp đẽ, chắc chắn và thoáng mát. Ba Me tôi say sưa làm việc và vui với cuộc sống kháng chiến. Me tôi tiến bộ rất nhanh, được cử làm cán bộ Công đoàn, được đi dự lớp chỉnh huấn và trở về tổ chức chỉnh huấn cho anh em cán bộ công nhân viên và thương bệnh binh trong bệnh viện. Năm 1952 anh Minh tôi đi Trung Quốc học và năm 1953 tôi cũng được đi theo anh. Không phải bận rộn nhiều với con cái, Me tôi càng có nhiều thời gian cho công việc. Bà được bầu là chiến sĩ thi đua của ngành Giáo dục. Bà được mọi người yêu mến, kính trọng và điều hạnh phúc lớn lao nhất là bà được sống bên người chồng thân yêu sau bao năm xa cách, được giúp chồng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học mà ông đã nguyện cống hiến cả cuộc đời mình… Nhưng thời gian hạnh phúc đó quá ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có 4 năm. Sắp hòa bình, sắp cùng chồng con trở về Thủ đô thì Me tôi đột ngột ra đi.

(Ảnh Ba Me tôi chụp ở Hà Nội năm 1936 và ở Việt Bắc năm 1952)

Me tôi mất là một sự tổn thất lớn lao, một sự đau đớn không gì bù đắp được đối với Ba tôi. Đau thương đó ông chịu đựng một mình, còn bề ngoài thì vẫn bình tĩnh, can đảm để giữ vững tinh thần cho bà ngoại tôi, cho người thân và nhất là em gái tôi là Nguyệt Quý, em đã gần như kiệt sức vì đau đớn. Để có thể chịu đựng được một mình, ông bắt đầu viết nhật ký. Quyển sổ đề: Ngày ngày nói chuyện với Em Cung. Ba tôi là người rất kín đáo, rất ít nói, rất ít tâm sự với con cái. Nhưng nhờ quyển sổ này mà tôi đã biết được tình cảm của Ba tôi với Me tôi nó sâu nặng đến thế nào và tại sao Me tôi mất đi khi Ba tôi mới tròn 44 tuổi nhưng ông đã ở vậy chứ không hề có ý định đi lấy vợ.

Ba Me tôi cưới nhau năm 1936 cho đến lúc Me tôi mất vào năm 1954 là 18 năm, nhưng thời gian được sống bên nhau vẻn vẹn chỉ có 11 năm. Cả cuộc đời cho đến lúc mất ông đã sống một mình nhưng cứ như là luôn có Me tôi bên cạnh. Trên bàn thờ trong buồng ngủ cạnh giường Ba treo tấm ảnh Me. Vẫn là tấm ảnh Ba luôn đặt trên bàn làm việc trong những năm ông sống một mình ở Nhật. Trên bàn có lọ hoa và một lư hương nhỏ. Ông thường thắp hương và cắm hoa lên bàn thờ trước mỗi lần đi xa hay trở về nhà sau những chuyến công tác.

Việc quan trọng và thích thú nhất của Ba tôi là trang hoàng bàn thờ cho Me vào ngày Tết và ngày Giỗ.

Trên bàn thờ lúc nào cũng có 2 loại hoa là hoa Huệ và hoa Hồng, một đĩa hoa quả và tôi nấu xôi chè để cúng Me. Me tôi thích chè hạt sen và chè đậu xanh đánh. Chỉ có thế thôi chứ không bao giờ cúng cơm và đồ ăn mặn. Thói quen mà Ba tôi thích nhất là thắp hương rồi đóng kín cửa và nằm ngủ để thưởng thức mùi hương hoa thơm ngát trong không khí rất linh thiêng.

Ngôi mộ của Me tôi ở Chiêm Hóa cũng được Ba tôi thường xuyên chăm sóc rất chu đáo. Ngôi mộ đầu tiên Ba làm cho Me nằm ngay trước sân nhà trên đồi Penicilin. Những năm sau đó, khi đã về sống ở Hà Nội, năm nào ông cũng trở về Chiêm Hóa để thăm mộ. Năm 1958 lần đầu tiên Ba đưa cả 3 anh em chúng tôi lên thăm mộ, lần đó Ba đã chuyển xi măng, gạch cát lên xây lại mộ cho Me thật đẹp và vững chắc. Vì công tác tiêu diệt sốt rét cho các tỉnh miền núi Ba có điều kiện lên Chiêm Hóa thường xuyên (Chiêm Hóa cách Tuyên Quang 80 km) còn chúng tôi thì chỉ theo Ba lên đó vào kỳ nghỉ hè. Vì không muốn phiền lái xe nên chưa năm nào lên thăm Me vào dịp tết. Chỉ có một lần duy nhất, lần cuối cùng Ba lên thăm me. Lần đó là vào một ngày giáp tết. Chính xác là ngày 26 tết Bính Ngọ, năm 1967. Tôi được thủ trưởng đơn vị cho nghỉ phép đặc biệt để về thăm Ba. Về đến nhà đã thấy Ba và anh Minh đang đợi để lên xe đi thăm mộ Me. Xe chạy đến nhà Bác Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, hôm nay Bác Thạch mở tiệc để các bác trong lãnh đạo Bộ tiễn Ba tôi lên đường đi B. Ba tôi vào chào và xin lỗi mọi người phải đi ngay cho kịp quay về để ngày mai tập trung lên đường. Chúng tôi đi suốt đêm hôm đó, sáng sớm đã tới nơi. Thật là may mắn và chắc là có Me phù hộ. Nhiều chỗ phà không chở, tất cả các xe đều phải đi sơ tán, nhưng chiếc xe com măng ca của Ba vẫn được cho qua. Chúng tôi phát cây cối, dọn dẹp mộ Me. Đứng trước mộ, Ba nói với Me và chúng tôi: Lần này vào Nam Ba sẽ dừng lại ở Thừa Thiên để làm việc. Đến cuối năm Ba ra rồi sẽ vào lại và đi tiếp vào sâu hơn nữa. Lúc ra, Ba sẽ lên thăm Me. Như thường lệ, Ba đi thăm mấy cụ Ké người dân tộc nhưng rất nhanh và rất vội, rồi xe quay về. Cả đời tôi sẽ còn ân hận và không thể tự tha thứ cho sự vô tâm của mình. Chắc là vì quá mệt mỏi sau hai đêm gần như thức trắng, trên xe ô tô thay vì phải tranh thủ để được nói chuyện thật nhiều với Ba, tôi đã lăn quay ra ngủ. Ba đưa tôi về đơn vị ở Phú Thọ. Từ cổng gác vào đến lán tôi ở còn 2 km, nhưng Ba tôi đã xuống xin với các chú cảnh vệ cho xe đi qua và chạy thẳng đến tận nơi. Ba đánh thức tôi dậy và chia tay với tôi. Ba hôn tôi lên trán, cái hôn cuối cùng của Ba, còn tôi thì thậm chí không nói được một lời chia tay với Ba hay chúc Ba đi đường bình an… Ba tôi về Hà Nội và ngày hôm sau, 28 tết, đoàn đi B của Ba xuất phát từ Hòa Bình vào lúc 16 giờ 10 phút. Sau khi Ba tôi mất, mộ ba tôi được đưa về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình, thành phố Huế. Chúng tôi cũng chuyển mộ Me và em Quý về đó.

(Ảnh Mộ Ba nằm giữa, bên trái là mộ Me, bên phải là mộ Em)

Bây giờ Ba Me tôi đã lại được gặp nhau và vĩnh viễn nằm cạnh bên nhau. Năm nào tôi cũng vào Huế một lần để thăm mộ, nhưng chỉ có năm nay là đặc biệt nhất, tôi được thăm Ba Me và Em vào ngày tết. Đó là một niềm vui đặc biệt và hiếm có trong ngày tết của tôi.

Tôi thường tâm sự với bạn bè, tôi chưa bao giờ có niềm vui và sự háo hức đón tết như mọi người. Ngày tết tôi thấy rất buồn, trước đây khi còn Ba thì ngày tết tôi cùng Ba làm bàn thờ cho Me. Sau này một mình tôi làm bàn thờ cho cả Ba Me và em Quý. Cả những năm ở Đức hay ở Liên Xô, tết đến tôi cũng làm bàn thờ rồi ngồi bên bàn thờ viết thư hay viết nhật ký để đón giao thừa chứ không bao giờ đi dự liên hoan đón chào năm mới với mọi người.

Từ khi có blog tôi đã tìm thấy niềm vui mới. Giao thừa đến, tôi thắp hương lên bàn thờ, cúng ngoài trời xong là vào blog chúc tết thầy cô và bạn bè. Tôi không cảm thấy cô đơn và buồn như trước nữa. Cảm ơn blog, cảm ơn các bạn.

****************************************

51. TỰ TRUYỆN

Ngồi kiệu lên Lư Sơn

Tất cả thày cô và các bạn trường ta lên Lư Sơn đều phải đi bằng ô tô, riêng tôi đi bằng... kiệu. Chuyện này tôi sẽ nói sau, nhưng trước hết cho tôi bắt đầu bằng những ngày gia đình tôi còn ở An toàn khu (ATK) Chiêm Hoá Tuyên Quang, nơi có bệnh viện Chiêm Hoá, có trường Đại học Y khoa và phòng bào chế thuốc Penicilin do Ba tôi phụ trách. Một hôm, trong khi Ba tôi đang đi công tác xa, ở nhà chỉ có ba mẹ con thì một người khách lạ đi ngựa tìm đến. Đó là người mà Ba tôi nhờ về đón tôi đến chỗ Ba tôi đang họp ở Tuyên Quang để đưa sang Trung Quốc học. Me tôi đỡ tôi lên yên ngựa, dặn tôi đến gặp Ba thì phải ngoan. Tôi chẳng khóc, chỉ sung sướng vì sắp được gặp Ba, chứ có ngờ đâu đó lại là lần chia tay cuối cùng và mãi mãi với Me. Đoàn đi Trung quốc của tôi gồm con em cán bộ thuộc bộ Giáo dục. Đoàn đi từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên lên Lạng Sơn. Toàn đi bộ, thường đi đêm, ngày nghỉ. Mỗi ngày được phát một nắm xôi, khi nào đói thì ăn. Vì bé nhất đoàn nên tôi chỉ phải mang một cái chiếu, khi nào mệt thì trải ra đường nằm ngủ. Từ Mục Nam Quan đến Nam Ninh đi ô tô. Từ Nam Ninh đi tầu hoả đến Lư Sơn. Leo lên núi Lư Sơn lại bằng ô tô. Tôi nôn ra mật xanh mật vàng, không chịu được, phải cho xuống ô tô và đưa lên kiệu, có hai người khiêng, sợ quá, tôi khóc ầm ĩ. Đến Lư Sơn ngày 25-8-1953. Là đoàn đầu tiên đặt chân đến đất Lư Sơn. Đoàn nhiều người nhưng tôi chỉ nhớ có anh Vũ Quốc Hùng.

Hết Lư Sơn, Quế Lâm, Khu học xá lại Quế Lâm
…Các bạn lên Lư Sơn hưởng trọn một mùa đông băng tuyết đẹp tuyệt vời, còn tôi, chỉ được một thời gian ngắn, vì không chịu được rét, bị cước, chân tay sưng vù nên phải đưa ngay về Quế Lâm!

Quế Lâm lúc này có trường cấp I và cấp II. Mới học lớp 4 lẽ ra tôi phải vào trường cấp I, nhưng anh tôi (anh Đặng Nhật Minh) đang học cấp II nên anh xin thầy Huy Phương (Hiệu trưởng) cho tôi vào lớp 5 để hai anh em được học cùng trường.

Trường Quế Lâm phải chuyển về Khu học xá Nam Ninh để nhường chỗ cho trường Lư Sơn chuyển xuống. Khi việc di chuyển đã xong tôi lại được trả về Quế Lâm và học lớp 5, 6, 7. Hết lớp 7 lại về Khu học xá học lớp 8. Khi trường KHX giải tán tôi về nước, vào học trường phổ thông cấp III Trưng Vương, lớp 9 và lớp 10. Học cùng lớp với Hồng Nga, Kim Trâm. Thanh Bình và Nữ Hiếu cũng học Trưng Vương nhưng ở lớp khác.

Tốt nghiệp phổ thông tôi vào học Đại học Bách khoa (năm 1960 - 1964), khoa Điện, ngành Vô tuyến điện. Cùng lớp có Minh Đức và Khâm Minh.

Những chặng đường đã qua:

Tốt nghiệp Bách khoa, ra trường một thời gian, có lệnh tổng động viên các sĩ quan dự bị, tôi nhập ngũ (tháng 7-1965).

23 năm trong quân ngũ là cả 23 năm tôi công tác tại Bộ tư lệnh Thông tin - Liên lạc và Viện kỹ thuật quân sự. Đồng đội thân thiết của tôi lại chính là 3 bạn lớp 5 LSQL: Xuân Thiên, Xuân Nùng, Tiến Nguyên. Tiếc thay cả 3 bạn đều đã đi xa...

- Từ năm 1970 - 1975 tôi làm NCS tại trường TU-Dresden CHDC Đức.

- Tốt nghiệp về nước tôi chuyển về Viện Kỹ thuật Quân sự, lúc đầu là Phân viện Điện tử. Năm 1980 Quân đội có chủ trương làm bom nguyên tử, Phân viện Năng lượng Nguyên tử thành lập, tôi được chuyển sang đây (tên là Viện 481). Vài năm sau đó nhà nước ta ký Hiệp ước không sản xuất vũ khí hạt nhân. Viện Năng lượng của Quân đội phải chuyển ra ngoài, cùng với Viện Hạt nhân Hà Nội và Viện Hạt nhân Đà Lạt lập thành Viện Năng lượng Nguyên tử VN. Vì vậy tôi phải ra quân tháng 7-1988. Đây cũng chính là lý do tại sao cho đến nay tôi vẫn phải sống trong căn hộ 28 mét vuông trong một khu lắp ghép cũ kỹ từ thời bao cấp.

- Từ năm 1985 - 1988 làm cộng tác viên khoa học tại Viện Dubna (Liên xô cũ).

- Tôi có 10 năm làm công tác nghiên cứu khoa học tại Viện NLNT và giảng dạy cho sinh viên ngành Vật lý hạt nhân của trường Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội.

- Tháng 6 năm 1998 tôi nghỉ hưu và vẫn tiếp tục đi dạy đến 2010 thì nghỉ hẳn.

Tổ Ấm của tôi

Tôi lập gia đình năm 1972. Ly hôn năm 1992. Có hai con: một gái, một trai.

Con gái: Nguyễn Bạch Dương, sinh 1973, cử nhân kinh tế. Chồng cháu là Đoàn Thụy Anh, sinh 1974. Có hai con, con trai là Đoàn Gia Anh, sinh năm 2000, con gái là Đoàn Bạch Ngọc, sinh 2002.

Con Trai: Nguyễn Thanh Tùng, sinh 1975, kiến trúc sư. Vợ là Hà Lan Hương, sinh năm 1977. Có con trai là Nguyễn Duy Thông, sinh 2005 và con gái Nguyễn Quỳnh Nga, sinh 2012.

Lãnh "án tử hình"

Năm 1995 tôi bị bệnh Luput ban đỏ. Bệnh viện Việt Xô trả về vì lý do bệnh này không chữa được. Thế là tôi được lãnh “án tử hình”. Sau đó nhờ một người bạn, tôi gặp được GS Đào Văn Chinh, ông là Giám đốc BV Quốc tế. Ông cho biết gần đây ở Hung đã tìm ra được loại thuốc chữa bệnh này (Sandimum). Thuốc rất độc, bệnh nhân có thể chết khi uống thuốc, nhưng nếu uống được 50 viên thì có thể đẩy lùi bệnh trong một thời gian. Sau khi cả nhà tôi (có dì Toản tôi là BS) đến để nghe GS giải thích và xem tài liệu chỉ dẫn, rồi thảo luận và cuối cùng là xin GS gửi mua giùm thuốc để bắt đầu chữa bệnh. Mọi điều xẩy ra sau đó thì thật là khủng khiếp, nhưng tất cả đều nói trong tài liệu, có rất nhiều phản ứng xẩy ra chứ không chỉ là mệt như truyền hóa chất. Nhiều lần phải dừng lại nghỉ nhưng rồi vẫn tiếp tục cho đến viên thứ 50. Rất lạ là suốt trong thời gian bị bệnh tôi không bao giờ nghĩ đến cái chết, nhiều người bảo tôi “Điếc không sợ súng”, còn tôi thì nghĩ mọi việc đã có Ba Me ở trên trời lo cho. Dừng uống thuốc là tôi khỏe mạnh bình thường, nhưng phải uống thuốc Prednisolon để duy trì, lúc đầu liều lượng rất cao, sau giảm dần đến 1 viên ngày và duy trì suốt đời. Thuốc này làm giảm đau các khớp nhưng tích nước nên bụng to khủng khiếp. GS bảo tôi sẽ sống được đến 5 năm, rồi đã qua 10 năm và bây giờ đã là 18 năm mà vẫn chưa thấy chết.

Hiện nay cuộc sống của tôi rất thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu và bạn bè. Tôi có niềm tin vào cuộc sống tâm linh và thích đạo Phật của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.



Những lá thư thả xuống dòng Ly Giang....


Nói đến Quế Lâm không bạn nào không nhắc đến sông Ly. Với tôi, con sông ấy đã có một thời như người bạn tâm tình. Hãy hình dung lại 50 năm trước, Nguyệt Ánh của các bạn là một cô bé gầy gò, ốm yếu, đen đủi và xấu xí. Ngày ấy tôi rất tự ti. Phấn đấu vào đội rất vất vả, mãi mới được kết nạp. Phải qua nhiều thử thách như làm “chiến sĩ vệ sinh”, hàng ngày đếm số ruồi của mọi người diệt được rồi ghi vào sổ. Tôi thường xuyên bị thầy Lại cho điểm hạnh kiểm kém (4 điểm). Còn điểm sức khoẻ luôn luôn là gầy yếu nên phải thường xuyên đi uống sữa tươi (cùng với Lệ Thủy, Thanh Bình, Thanh Mai).

Tôi học kém môn văn, đặc biệt là môn chính tả vì cái gốc tiếng Huế khiến tôi không sao phân biệt được chữ nào có ‘g’ hay không ‘g’. Nhưng học toán thì khá, đặc biệt là hình học. Được thầy Hàn Liên Hải rất yêu mến và thường phê vào vở hai chữ “ Đáng khen”. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những tiết giảng của thày Hải. Nhớ cái cảm giác háo hức chờ thày ra câu hỏi hoặc đọc xong đề bài và sung sướng được thày gọi đứng lên trả lời! Vì tôi biết chắc, mình sẽ trả lời đúng! Vui nhất là tôi luôn ngồi cạnh Ngọc Trâm và Tư Thành. Ba đứa luôn ngầm ganh đua với nhau trong học tập.

Khi đang ở Quế Lâm tôi được tin Me tôi mất, tin đến đột ngột qua thư của mẹ Nữ Hiếu. Sau đó ít lâu thì em gái tôi (Nguyệt Quý) được đưa sang Quế Lâm để ở bên tôi. Em tôi sang đến nơi cùng với tin chiến thắng Điện Biên Phủ và sau đó là Hiệp định đình chiến và hoà bình lập lại ở Việt Nam. Mọi người vui sướng, hò reo vang dội. Hai chị em tôi ôm nhau khóc hết nước mắt, nhớ thương Me vô cùng. Dạo đó hai chị em hàng ngày thường viết thư cho Me rồi cho vào một cái lọ thủy tinh đem chôn trên núi phía sau trường hoặc thả xuống dòng sông Ly, tin rằng Me sẽ nhận được.

Bây giờ Em tôi cũng mất rồi, tôi nhớ Em, nhớ Quế Lâm như là những kỷ niệm vừa buồn vừa gần gũi...

Bạn bè, thầy cô luôn thương yêu và chia sẻ với tôi. Cùng cảnh mồ côi như Ngọc Trâm, Thanh Bình, Trí Vân - chúng tôi thương nhau từ đó đến bây giờ và chị Quế, anh Quý luôn luôn là chổ dựa về tình cảm của tôi.

*********************************

52. Kỷ niệm về ngày giải phóng 30-4-1975

Không thể nào diễn tả được hết sự sốt ruột của tôi trong những ngày ấy, những ngày cuối cùng của 4 năm học ở Đức, những ngày cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn cuối. Tin chiến thắng dồn dập bay sang khiến những người con xa quê hương như chúng tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, nhưng cũng vô cùng nóng ruột. Chiến tranh sắp kết thúc, miền Nam sắp được giải phóng, thế mà chúng tôi vẫn ở đây. Liệu còn kịp tham gia vào cuộc chiến đấu, có mặt trong giờ phút thiêng liêng hào hùng của dân tộc hay không?

Tôi bảo vệ luận án vào ngày 13-12-1974. Lập tức đặt vé máy bay và ôm con nhỏ bay về nước. Mọi người rất ngạc nhiên vì lẽ ra tôi có thể đợi thêm ít tháng, chờ chồng bảo vệ xong rồi cùng về thì đỡ vất vả cho tôi rất nhiều.

Về đến nhà, hôm sau tôi lên Cục Cán bộ để làm thủ tục trở về Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc. Chúng tôi ở trong quân đội, khi đi học thì cắt quân số của đơn vị cũ và chuyển về cho Cục Cán bộ quản lý. Tôi được hẹn ngày hôm sau đến gặp thủ trưởng. Thủ trưởng Hà Huy Đức tiếp tôi và thông báo cho tôi biết: Tôi sẽ được phân về Viện Kỹ thuật Quân sự. Theo chủ trương của Bộ thì Phó Tiến sĩ sẽ tập trung về Viện KTQS để làm công tác nghiên cứu, các quân binh chủng chỉ làm công tác triển khai kỹ thuật phục vụ chiến đấu nên không cần PTS.

Tôi hết sức bất ngờ và rất buồn trước quyết định điều động này. Bộ TLTT đã trở thành gia đình rất thân yêu và gần gũi của tôi. Tôi là lứa nữ kỹ sư đầu tiên về binh chủng. Tôi gắn bó với phòng Kỹ thuật Bộ Tư lệnh và nhà máy Thông tin Liên lạc. Ở đâu tôi cũng được mọi người yêu mến và đặt vào tôi nhiều niềm tin. Tôi đã khóc rất nhiều khi chia tay với các thủ trưởng Bộ TLTT, với bạn bè ở những nơi tôi đã làm việc. Nhưng mệnh lệnh thì không thể không thi hành.

Tôi đã đến nộp hồ sơ và nhận nhiệm vụ tại Viện KTQS. Được phân về Phân viện Điện tử do Đại tá Trần Thúc Vân phụ trách. Về phòng Điện tử, nhiệm vụ trước tiên là tìm hiểu công việc của phòng và đồng thời cũng tham gia ngay vào một đề tài mà phòng đang triển khai. Đó là đề tài máy bay không người lái. Mọi người đang tìm cách vẽ lại sơ đồ bộ phận điều khiển của máy bay qua một hiện vật từ chiến trường đem về.

Mọi người làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, nhưng hễ có thì giờ là bàn tán về các tin tức ở chiến trường. Viện đã có nhều đoàn đi B. Đồng chí Viện trưởng Hoàng Đình Phu cũng đang dẫn một đoàn gồm hầu hết các cán bộ chủ chốt của Viện vào chiến trường. Những người ở lại phải làm việc nhiều hơn thay cho người ra đi, nhưng ai cũng mong ngóng đến lượt mình.

Và thật bất ngờ, một ngày đầu tháng 3 năm 1975. Phòng cán bộ thông báo với tôi: Thủ trưởng Hoàng Đình Phu điện ra yêu cầu Viện phải tổ chức một đoàn để đưa tôi vào chiến trường. Nhận được tin, lẽ ra là niềm vui tột cùng của tôi, nguyện vọng tha thiết bấy lâu nay đã thành hiện thực. Nhưng sau phút giây sung sướng là sự lo lắng vô cùng - làm thế nào bây giờ khi tôi biết là lúc này mình đã có mang.

Tôi gặp dì Toản, dì Nguyễn Ngọc Toản của tôi là Bác sĩ quân y, Chủ nhiệm khoa Sản bệnh vện 108. Tôi đề nghị bà giúp tôi giải quyết cái thai trong bụng. Bà bảo, dù có giải quyết thì cháu cũng không thể đi ngay được, chỉ có cách là cứ giữ, dì sẽ cho cháu thuốc an thai dùng đi đường và khi cần thiết. Tôi đồng ý vì cũng chỉ còn cách đó thôi.

Chúng tôi được trang bị ba lô, quân phục, tăng võng, lương thực, đồ dùng như chiến sĩ đi B. Nhưng không phải hành quân đi bộ mà đi bằng ô tô. Đoàn chúng tôi gồm 4 người đi trên một chiếc xe com măng ca.

Đường rất xóc, nhưng tôi rất khỏe, không có gì xẩy ra. Dọc đường gặp nhiều đơn vị hành quân hối hả. Tôi không nhớ là đi mất mấy ngày. Nhưng không thể nào quên cái đêm 26 tháng 3, khi chúng tôi dừng lại ở binh trạm cuối cùng trước khi đến Huế thì được tin Huế đã giải phóng. Không khí ở binh trạm thật náo động, mọi người ôm lấy nhau và hò reo, la hét. Tôi bàng hoàng, không thể hình dung nổi niềm mơ ước lớn lao lại đến một cách nhanh chóng và bất ngờ đến thế. Trên con đường này Ba tôi đã đi mà Ba chưa về được đến Huế, thì ôm nay Huế đã giải phóng rồi. Trong đầu óc tôi văng vẳng bài thơ của em Quý:


Ba ơi, quê hương mình giải phóng

Cả miền nam gió lộng cờ bay

Xác quân thù vụn nát hôm nay

Là lửa hận bao ngày đã nổ


Một ngày mai ngàn hoa sẽ nở
Khắp quê hương muôn mầu rực rỡ
Con sẽ tìm những đoá hoa tươi
Đặt trên mộ Ba, những nhành hoa đẹp nhất ở trên đời.


Tôi nhớ đến anh Minh, anh cũng đang vào Sài Gòn trong một đoàn làm phim. Tôi không nhận được tin tức gì của anh nên lo cho anh lắm.

Đêm hôm đó chúng tôi không hề ngủ và sáng hôm sau rất sớm xe chúng tôi đã đi tiếp để đến sân bay Phú Bài. Chúng tôi được lệnh nằm lại Phú Bài chờ Đà Nẵng giải phóng để là những người đầu tiên vào tiếp quản Trung tâm Thông tin trên bán đảo Sơn Trà.

Chúng tôi được đưa vào căn nhà một tầng và được căn dặn là không được đi đâu vì xung quanh đầy rẫy bom mìn chưa được tháo gỡ. Thức ăn hàng ngày là các bánh lương khô mang theo. Cảm giác nhắc tôi về cái thai trong bụng là sự thèm ăn ghê gớm.

Ngồi trong nhà tôi cứ tưởng tượng. Bên tay phải tôi cách chừng 20 km là An Cựu. Nơi đó có ngôi nhà của gia đình tôi. Nhà ở ngay cạnh chợ An Cựu nên tôi nghĩ là mình có thể tự tìm đến được. Nhưng tôi không hình dung ra là mình sẽ trở về đó một mình như thế nào. Tôi có thể đi khắp thế giới một mình, nhưng trong trí tưởng tượng của mình ngày trở về ngôi nhà đó tôi phải đi cùng với Ba tôi.

Suốt 8 năm Ba tôi ở Nhật, bốn mẹ con tôi đã sống trong ngôi nhà đó với ông bà, bác, chú thím, o dượng và các anh chị em họ của tôi. Những năm sau này khi Me tôi không còn nữa thì Ba và chúng tôi thường ngồi kể cho nhau nghe về những kỷ niệm cũ và cùng ao ước tới ngày Ba dẫn chúng tôi trở về nơi đó. Bây giờ tôi ngồi đây, rất gần thôi nhưng tôi không được về và thật lòng tôi cũng không muốn về, tôi thấy sợ.

Bên tay trái tôi, không biết cách xa bao nhiêu cây số là vùng chiến khu A Sầu - A Lưới, nơi Ba tôi đã nằm xuống cách đây 5 năm.

Ba quyết tâm xin đi B, tôi biết, ngoài cái chung như mọi người còn vì cái riêng: nỗi nhớ thương da diết Bà nội. Ba mong gặp lại Bà và sợ rằng không kịp chờ đến ngày giải phóng vì Bà đã quá già. Ba đi đến quê và dừng lại để làm phòng thí nghiệm ở đó. Máy bay B52 đã ném bom tàn sát khu vực đoàn Ba ở. Ba ơi, ba đã không về được đến nhà trong khi Bà nội cũng đang nóng lòng mong đợi Ba. Bây giờ thì Bà cũng mất rồi Ba ạ. Bà mất năm 1969 sau khi Ba mất 2 năm.

Ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng giải phóng. Chúng tôi tức tốc lên đường. Ngồi trên xe im lặng, nhưng ruột gan ai cũng rối bời, sốt ruột, mong xe chạy thật nhanh. Xe chạy rất chậm, đường luôn bị tắc bởi các đoàn người ùn ùn chạy về cả hai phía, chạy ra Huế và chạy vào Đà Nẵng. Xe cộ cũng rất nhiều và đặc biệt trên đường tôi nhìn thấy nhiều xác chết, xe cộ hỏng và đồ đạc vứt lung tung.

Chúng tôi đến Đà Nẵng, sau khi đến trình diện ở ban Quân quản thì xe đưa chúng tôi ra ngay bán đảo Sơn Trà. Chúng tôi không phải là đoàn đầu tiên đến đây, đoàn của Bộ tư lệnh Thông tin đến trước. Đó là đều chúng tôi lo nhất. Nhưng thật may mắn, đoàn của Bộ TLTT do thiếu tá Lê Thu Sương làm trưởng đoàn. Thu Sương học Bách khoa khóa 7, sau tôi 2 khóa, tốt nghiệp thì nhập ngũ và được phân về Bộ TLTT, cùng làm việc với tôi. Lúc nào tôi cũng là người chị và thủ trưởng của cô ấy. Những người khác trong đoàn cũng đều là người quen biết đã cùng làm việc với tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, và dường như không cần giới thiệu, không cần phân công. Chúng tôi bắt tay vào làm việc cùng với nhau và tôi là người phụ trách chung.

Trung tâm thông tin ở bán đảo Sơn Trà gần như còn nguyên vẹn vì địch rút chạy vội vã không kịp phá hoại. Việc tiếp quản của chúng tôi rất thuận lợi vì được sự giúp đỡ tận tình của một số sĩ quan cũ còn ở lại. Họ là những người đã tham gia bảo vệ, giữ gìn thiết bị máy móc trong khi hỗn loạn và bây giờ bàn giao lại cho chúng tôi với đầy đủ cả giấy tờ sổ sách. Khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là tiếng Anh. Tên khí tài, thiết bị, thuyết minh hướng dẫn… tất cả đều là tiếng Anh mà chúng tôi thì không ai biết. May mà tiếng Đức lại rất giống tiếng Anh ở cách viết nên tôi có thể hiểu được khá dễ dàng.

Chúng tôi làm việc khẩn trương với hy vọng sẽ được tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Nhưng sau 2 tuần, khi công việc đã tạm ổn thì đoàn chúng tôi nhận được chỉ thị của thủ trưởng Hoàng Đình Phu là lập tức trở về Viện.

Chúng tôi rất buồn, nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Ra đến Viện tôi mới biết rằng chúng tôi sẽ được học tập, huấn luyện chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Lần này là một đoàn lớn gồm cán bộ của tất cả các phân viện và sẽ đi lâu dài nên phải chuẩn bị rất kỹ càng.

Tin Sài Gòn giải phóng đến thật bất ngờ. Hôm đó là ngày 30 tháng 4. Lúc đó là sau giờ làm việc, tôi đã về nhà. Nhà tôi ở góc phố Phạm Đình Hồ, Tăng Bạt Hổ, có ban công to nhìn ra đường. Đài phát thanh đưa tin khi tôi đang chuẩn bị bữa ăn chiều. Tiếng hò reo vang dậy, tôi vội chạy ra ban công. Mọi người chạy ùa ra đường. Tôi lặng lẽ quay vào nhà, ôm Bạch Dương, con gái tôi vào lòng, tôi khóc.

Tôi được cử vào làm việc tại trung tâm máy tính trong sân bay Tân Sơn Nhất một thời gian khá dài. Đi lại toàn bằng máy bay quân sự nên không khó khăn gì, nhưng không ghé được Huế, cho nên tôi đã xin nghỉ phép và cùng bà con họ hàng miền Bắc về thăm quê.

Đúng Noen năm 1975 tôi sinh cháu Nguyễn Thanh Tùng, năm nay cháu 33 tuổi. Tôi viết bài này để lại cho cháu đọc sau này, mỗi khi cháu nhớ đến Mẹ.

-----------------------------------------------------

Nguồn: Blog Dang Nguyet Anh 12-07-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét