TỰ TRUYỆN
(đề nghị thay tên khác )
(đề nghị thay tên khác )
Nữ Hiếu
Đường sang nước bạn
Mình nhớ mãi không quên, đó là một ngày cuối năm 1953, khi gia đình mình đang đang sống ở làng Ai, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hoá, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 60 km. Bố mình từ ATK (An toàn khu) về bàn với mẹ cho mình sang Trung Quốc học tập để “bằng chị bằng em”, và cũng để mẹ mình bớt vất vả chuyện gia đình mà tham gia công tác ở trường Đại học Y Việt Bắc. Lúc ấy, mình còn quá bé để hiểu rằng thế là cuộc đời mình từ đây đã sang trang.
Vui vì được ra nước ngoài ăn học, buồn vì phải sống xa gia đình. Mà với mình, gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Số là thế này: Mình bị bệnh lao xương từ năm 6 tuổi, suốt 3 năm dòng phải bó bột từ háng xuống tận bàn chân, lúc tháo bột ra phải tập đứng tập đi như đứa trẻ. Vì vậy mình đau yếu triền miên, lúc nào cũng phải có người thân chăm sóc. Lần này phải xa gia đình, mình lo một thì mẹ mình và các chị mình lo mười. Ngày chia tay vì thế càng thêm phần lưu luyến…
Nhóm chúng mình khi đó có ba người, ngoài mình ra còn có Quốc Anh, Kim Thư là hai bạn cùng lớp. Chúng mình cuốc bộ xuống thị xã Tuyên Quang rồi luồn rừng để sang Thái Nguyên. “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”, năm ấy không hiểu sao trời rét lạ lùng. Nhưng khi đến Thái Nguyên, ban ngày mải lo tránh máy bay Pháp, ban đêm qua cầu treo Gia Bảy phải bò vì sợ lăn tòm xuống sông Công thì cái rét rừng, gió núi bỗng chẳng còn thấm vào đâu. Thế là từ Tuyên Quang đến địa điểm tập kết ở Bắc Sơn chúng mình phải đi mất gần hai tháng trời. Các cô các chú gửi chúng mình vào nghỉ ở nhà dân trong khi các anh chị lớp sư phạm cùng sang Trung Quốc lần này phải vào sâu hơn, ở trong hang đá.
Thế rồi vào một buổi chiều, anh Lịch từ ATK đến đưa chúng mình đi tiếp lên Lạng Sơn. Cuộc hành quân đầu tiên trong đời thật gian nan nhưng cũng đầy kỷ niệm. Đến nay, thật khó hình dung nổi bàn chân bé nhỏ yếu ớt của mình và cả các bạn nữa, đã đi qua bao nhiêu con suối, cánh rừng để đến một đêm nhìn lên đã thấy Mục Nam Quan ẩn hiện trong sương núi. Tại đây chúng mình nhập với đoàn Khu 4 (đến bằng ô tô). Trong đoàn có Ngọc Dung, Bích Vân, Oanh và bạn Phan Viết Hồ cùng cậu em ruột là Phan Viết Liệu (sau này khi cùng học Lớp 5 với Hồ mình mới biết hai người là cháu nội nhà trí sĩ Phan Bội Châu). Ngay nửa đêm chúng mình được các anh chị Trung Quốc bế từng đứa lên xe ô tô rồi chở về Bằng Tường.
Tổ quốc quê hương với hình ảnh căn nhà sàn bên bờ suối, với bóng mẹ, dáng cha vai đeo sà cột trên nương sắn, nương ngô cứ chập chờn ẩn hiện trong giấc ngủ, để đến khi tỉnh dậy thì đã là một miền đất xa lạ - thị trấn biên giới Bằng Tường!
Cảnh vật thay đổi nhanh quá. Nhanh đến nỗi thấy máy bay ầm ì trên đầu, vẫn cứ ngỡ là máy bay Pháp đến “bỏ bom”! Cả bọn nháo nhào chui vào cống ẩn nấp. Mấy chú Trung Quốc vừa thương vừa buồn cười, xuống cống dìu từng cháu Việt Nam lên…
Tuổi thơ êm đềm
Ở Bằng Tường trời rét buốt thấu xương, mà áo ấm thì chẳng đứa nào có. Nhưng không sao, các chú Giải phóng quân Trung Quốc đã phát cho mỗi đứa một chiếc áo bông to đùng, mặc vào trông đứa nào cũng tròn vo như cái nấm! Rồi cả đoàn được lên tàu hoả đi Nam Ninh. Thật là trong mơ cũng không thể có được: tầu to, đẹp và sạch sẽ vô cùng. Trên tầu, đồ ăn thức uống đều ngon miệng và thừa thãi. Mình thích nhất được ăn nhiều hoa quả, thứ còn tươi, thứ đã được sấy khô, có nhiều thứ chúng mình chưa từng được ăn bao giờ!
Đến Nam Ninh mình được gặp lại các chị gái mình là Nữ Hạnh, Bích Hà đã sang đây từ năm 1951. Sở dĩ bọn mình được đưa về Nam Ninh, vì trường Quế Lâm đã dành để đón các bạn học sinh từ Lư Sơn chuyển về. Đến Nam Ninh, mình được xếp ngay vào học lớp 5, (mình chỉ nhớ có bạn Thế Dân cùng lớp này). Nói đến việc “được” học lớp 5 mình không thể quên, vì chính cái “được” này mà mình đã phải “bơi” trong suốt mấy năm cấp II, có lúc tưởng như đã… đuối sức!
Chuyện là thế này, khi ở nhà mình bị bệnh nên đi học muộn, đang học chưa hết lớp 4 thì được đi Trung Quốc.Thầy hiệu trưởng tên là Ngọc, linh động ghi luôn cho mình học lớp 5! Sướng vui chẳng thấy đâu, ngay giờ học đầu tiên mình đã vấp phải bài toán đố tính diện tích hình vành khăn (cái giếng). Trời đất ạ! Mình có biết gì đâu mà làm bài!!! Thế là từ đó mình đâm ra tự ti, sợ học. Tình trạng này kéo dài suốt cả mấy năm cấp II, mặc dù mình đã hết sức cố gắng mong có được thành tích như các bạn. Mình còn nhớ khi lên Quế Lâm, trường chỉ có một lớp 6 nhưng có ba lớp 5. 5A toàn học sinh nam nhỏ tuổi, 5B có cả nam lẫn nữ, nhưng nữ nhỏ tuổi. Còn 5C là các anh chị lớn tuổi hơn nữa. Mỗi học sinh đều mang một số danh bạ, mình số 127, lớp 5B.
Những năm tháng ở Quế Lâm thật sự là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm yêu thương, hạnh phúc, không bao giờ có thể quên được. Mình nhớ những buổi sinh hoạt nhóm tâm giao cùng với Nguyệt Nga, Thúy Kim dưới bụi hoa trúc đào. Nhớ những chiều hè tắm mát trên dòng Đào Hoa Giang. Lên lớp 7 ở nhóm với Nguyệt Ánh, Ngọc Trâm, lại nhớ những “câu chuyện con gái” kể cho nhau nghe bên chảo than hồng những ngày giá rét. Nhiều lúc cũng giận nhau nhưng rồi lại nhanh chóng làm lành. Trái lê cái kẹo cũng nhường cho nhau, bức thư nhà mới gửi sang cùng nhau đọc ngấu nghiến.
Ở Lớp mình dạo ấy còn có “phong trào” kết nghĩa chị em. Mình kết nghĩa chị em với Tuyết Minh, Lệ Thuỷ, Minh Gương, Thanh Bình. Tuyệt diệu thay, tình nghĩa chị em đến tận bây giờ vẫn còn như nguyên vẹn… Đặc biệt mình với Thanh Mai từ khi chia tay Quế Lâm lại trở thành đôi bạn thân thiết. Nhưng cũng có nỗi buồn, buồn nhất là trường hợp với người bạn thân: Yến Nga! Không hiểu vì lý do gì mà bạn ấy “bặt vô âm tín” suốt hàng mấy chục năm nay. Mình đã tìm nhiều nơi và hỏi nhiều người nhưng đều không biết Nga đang ở đâu? Giờ đây, qua những dòng tâm sự này, nếu bạn nào đọc được, có tin tức gì về Yến Nga xin hãy báo gấp cho mình và các bạn được biết. Yến Nga ơi! Bạn đang ở đâu? Bạn lên tiếng đi chứ! Chúng mình cầu chúc cho bạn mọi sự tốt đẹp, bình an và mong sao chúng ta lại được gặp nhau, đừng để câu hát “Bạn thân yêu nay đang ở đâu?…” mãi mãi là câu hỏi không có câu trả lời.
Vượt lên chính mình
Sau khi trở về Việt Nam mình học trường cấp III Trưng Vương cùng khốí với Kim Trâm, Nguyệt Ánh, Hồng Nga, Nguyệt Nga. Riêng với Thanh Bình thì cùng chung một lớp. Năm 1960, vào Đại học Y Dược Hà Nội lại “đồng môn” với Thanh Bình , Xuân Thung, Thế Kỉ, Hữu Lí, Tuyết Minh (sau đó Tuyết Minh đi Liên Xô). Nhận bằng bác sĩ tháng 12-1965 nhưng cả mấy đứa chúng mình đã nhập ngũ trước khi tốt nghiệp (tháng 5-1965).
Có điều này có khi làm các bạn bất ngờ: trong thời gian học Đại học Y mình còn học qua 5 lớp điều khiển máy bay thể thao hàng không (khoá 1), do chuyên gia Tiệp Khắc hướng dẫn. Chính vì “tham lam” như thế nên mình học chuyên môn khá vất vả. Với tư cách là một sĩ quan quân y, từ khi nhập ngũ mình đã làm việc ở Viện Quân y 9, ở đội điều trị 11, đội điều trị 204. Năm 1972 trên chiến trường Trị-Thiên, 80 ngày đêm mình có mặt ở đội điều trị 204. Cuối cùng là đầu quân về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Năm 1989 mình được cử đi học quản lí bệnh viện ở Ba Lan, khi về nước được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 108.
Trải qua 39 năm trong quân ngũ mình nghiệm ra một điều chính “tinh thần Quế Lâm” đã chắp cánh cho những cố gắng của mình trong học tập và làm việc, đạt được danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Với công việc của lớp, mình luôn sẵn sàng, bởi cao hơn mọi nhiệm vụ, đó còn là niềm hạnh phúc được mang lại cho các bạn Quế Lâm của mình những điều tốt đẹp trong cuộc sống!
Trên đây là tự truyện của mình, còn chuyện Quế Lâm thì nói chẳng bao giờ hết được.
Xin gửi lời chào thầy cô và các bạn Quế Lâm thân yêu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét