Bạn Chiến Thắng như tôi biết
Phạm Kiên
(Đại tá CAND)
(Viết dựa theo lời kể của chị Trương thị Dần, vợ bạn Nguyễn Chiến Thắng)
Phạm Kiên
(Đại tá CAND)
(Viết dựa theo lời kể của chị Trương thị Dần, vợ bạn Nguyễn Chiến Thắng)
Bạn Nguyễn Chiến Thắng tư chất thông minh, ham học hỏi, có học vấn tốt, có đôi bàn tay vàng, giỏi một nghề và biết nhiều nghề. Chiến Thắng rất hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, dũng cảm đón nhận những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, có những cố gắng lớn lao để vượt lên số phận. Tiếc rằng số trời đã định. Chống lệnh, không ai chống được mệnh. Vận đen cứ dồn dập đổ lên đầu Chiến Thắng.
Tuổi thơ của Chiến Thắng phải chịu nỗi khổ mồ côi mẹ quá sớm và
nỗi đau cha bị oan khuất. Năm 1940, mở mắt chào đời chưa được bao lâu
thì cả cha lẫn mẹ bị giặc Pháp bắt tù đày vì tham gia hoạt động cách
mạng, Chiến Thắng phải sống nhờ bầu sữa của bà cô.
Năm lên 7 tuổi mẹ Thắng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ ở núi
rừng Việt Bắc. Bà được công nhận là liệt sỹ và được tặng bằng Tổ
quốc ghi công. Cùng năm đó bố Chiến Thắng bị tổ chức của ta bắt vì nghi
tham ô. Sau 3 tháng bị giam giữ, không đủ chứng cứ, ông được trả tự
do. Trở lại cơ quan, ông bị chi bộ kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng vĩnh
viễn. Hoạt động cách mạng từ 1936, hết tù đế quốc lại tù Cộng
sản. Nhưng ông không bất mãn, vẫn một lòng một dạ trung thành phục vụ
cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.
Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc, ông đã mày mò chế
tác ra trò chơi thông minh mang tên ông - trò chơi Trí Uẩn. Trò chơi này
về sau rất được ưa chuộng và được bày bán ở nhiều cửa hàng trong Nam,
ngoài Bắc. Từ ngày mới cắp sách đến trường, Chiến Thắng đã phải tham
gia sản xuất trò chơi Trí Uẩn để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Hạnh phúc lớn lao đối với Chiến Thắng là những năm được học ở trường
TNVN Quế Lâm và trường Phổ thông cấp III Chu Văn An, Hà nội. Niềm vui
ngắn chưa tày gang, bước chân vào cổng trường Đại học Tổng hợp chưa
được bao lâu thì bạo bệnh đã ập tới. Bệnh lao phổi đã hành hạ Chiến
Thắng nhiều năm trời với 3 lần nhập viện và phải cắt đi ¼ lá phổi.
Bằng nghị lực phi thường và bằng sự giúp đỡ đầy tình yêu thương của một người
bạn gái Quế Lâm thân thiết, Chiến Thắng đã thoát khỏi lưỡi hái của tử
thần.
Năm 1964 Chiến Thắng trở lại học tiếp Đại học Tổng hợp và đã nhận
bằng tốt nghiệp khoa Sinh hóa. Tiếp đó là những ngày bạn đi gõ cửa khắp
nơi để xin việc. Do kỳ thị nặng nề với người có tiền sử lao phổi
nên các cơ quan tiếp Thắng với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Chỉ khi bố đẻ của
người yêu Chiến Thắng bằng uy tín cao của mình mới cứu giúp được Chiến Thắng có
một vịệc làm đúng ngành nghề tại Khoa Sinh hóa Viện chống lao TƯ.
Sau khi hoàn thành việc chữa trị bệnh tật cho Chiến Thắng, cô người
yêu đã chia tay Chiến Thắng để “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi".
Sự cố này đã gây ra một cú sốc nặng đối với Chiến Thắng, đến nỗi bệnh tình anh
tái phát. Công tác gián đoạn thu nhập giảm sút. Chi tiêu ăn uống và chữa bệnh
cho bản than, tất cả đều trông vào chế độ bao cấp ít ỏi... Tuy nhiên, Chiến
Thắng không hề trách móc người con gái đã bỏ rơi anh, trái lại anh mãi mãi coi
cô như một ân nhân để tôn thờ!
Năm 1976, Chiến Thắng gặp và tìm hiểu cô gái kém mình 10 tuổi tên là
Trương Thị Dần, lúc này anh đã 36 tuổi. Đám cưới đạm bạc được nhanh
chóng tổ chức.
Thật may mắn, Dần, cô vợ mới cưới của anh là người nhanh nhẹn, tháo vát và
có nghị lực vươn lên. Chị vừa đảm bảo hoàn thành tốt công việc ở cơ quan lại
vừa đảm đang việc gia đình, cùng chồng nuôi dậy các con khôn lớn, thành đạt.
Năm 1989 ông Trí Uẩn ốm nặng. Ông có 7 người con với bà vợ kế nên
kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Thắng thường xuyên phải chi viện
cho bố để nuôi dưỡng các em. Giờ đây bố lâm trọng bệnh, làm gì để
có đủ tiền chạy chữa cho bố?... Thắng quyết định xin nghỉ việc ở
Viện Chống lao lấy một cục (1,6 triệu đồng) đưa cho bố. Hy sinh sự
nghiệp để làm tròn chữ hiếu, song cần câu cơm đã mất, cuộc sống vốn
đã gian nan vất vả giờ đây càng trở nên xấu hơn.
Chiến Thắng đã xoay sở đủ nghề: chữa vô tuyến, nuôi gà, nuôi chó,
nuôi ong, bán thuốc tây, mở phòng xét nghiệm tư… nhưng tiền kiếm được
cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đi chữa máy thu hình, thấy chủ
nhà nghèo Thắng không lấy tiền công. Nuôi 300 con gà, gần đến ngày
xuất chuồng thì bị dịch bệnh chết hết. Vay 8 “vé” để nuôi chó, không
bán được và rồi chó cũng bị bắt trộm. Bỏ ra 11 triệu để mở chung
cửa hàng dược, bị lừa mất cả chì lẫn chài. Vay 30 triệu mua máy mở
phòng xét nghiệm sinh hóa chung với một người thân cũng thất bại.
Trắng tay, Thắng phải “bán xới” vào Tp Hồ Chí Minh làm thuê để trả
nợ. Phận nghèo, đi đâu, làm gì cũng nghèo.
Gia đình là bệ phóng rất quan trọng đối với mỗi người khi bước vào
đời, Chiến Thắng lại gần như thiếu vắng nó. Thắng cũng không được
sở hữu tài sản quý giá nhất của con người là sức khỏe (mất ¼ lá
phổi, cuối đời còn bị bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp,
Parkinson).
Nghĩ đến Chiến Thắng là nghĩ đến một người đàn ông không may mắn nhưng có bản
lĩnh và nghị lực. Trong nghịch cảnh không mất lòng tin, không nản
chí, không gục ngã, quyết chí vươn lên sau một lần thất bại.
Trong xã hội hiện tại xấu tốt lẫn lộn, người ta có thể chà đạp lên
luật pháp, đạo đức, lương tâm để giành lợi ích bất chính về mình.
Chiến Thắng lăn lộn trong thương trường nhưng vẫn sống trong sáng, thanh
bạch, nhân hậu, dựa vào sức lao động hợp pháp, chân chính của bản
thân để kiếm sống. Rất tiếc đôi khi tính thật thà đáng trân trọng
của Thắng lại bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng.
"Thật thà, thẳng thắn thì thua thiệt". - Tiếc thay câu nói này
lại đeo bám Chiến Thắng đến tận cuối cuộc đời!
Vào hồi... giờ, ngày...
tháng... năm... bạn Nguyễn Chiến Thắng của chúng ta đã trút hơi thở cuối
cùng. Cát bụi lại trở về cát bụi, cái còn để lại cho đời là một tấm lòng bao
dung... Vợ con anh và chúng tôi - những người bạn K5 của Chiến Thắng đã vĩnh
biệt anh trong thương tiếc ngậm ngùi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét