NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

13. HỒ ANH DŨNG - BÀI CHỌN IN SÁCH

NHỚ NHỮNG NGÀY Ở LƯ SƠN-
QUẾ LÂM-KHX NAM NINH
(Trích hồi ký)
Hồ Anh Dũng 

(Nguyên TGĐ Truyền hình Việt Nam)
Vào hè thu năm 1953, một nghìn học sinh, thiếu sinh quân cùng với các thầy cô giáo và cán bộ phụ trách, tổ chức thành 11 đoàn hành quân từ Bắc Sơn (Lạng Sơn) qua biên giới Việt - Trung, từ Bằng Tường (Quảng Tây) đi tầu lên Lư Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tôi ở trong đoàn 9, đến Lư Sơn vào trung tuần tháng 9 năm 1953 với những ấn tượng in đậm mãi trong trí nhớ: những con đường men theo sườn núi, suối chảy róc rách, mây bay lững lờ. Những người công nhân Trung Quốc làm đường, lưng ướt đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng gặp một phụ nữ bó chân.

Ở Lư Sơn về đêm trời đã lạnh nhiều. Chúng tôi được phát quần áo ấm màu xanh may theo kiểu đại cán. Tôi được xếp vào học lớp 5 như khi còn ở quê, thuộc làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hồi đó ở Lư Sơn và sau này về Quế Lâm có qui định đến cuối tháng là bình bầu lớp tiên tiến, cá nhân thì có cả tiên tiến và cá nhân chậm tiến… Sau này sang Liên Xô, học ở trường Internat rồi, một thời gian vẫn còn giữ tập quán này.

Mùa thu năm 2003 tôi có dịp về quê Ngô Duy Cường và Ngô Quốc Bưu ở Tiền Hải, Thái Bình. Đúng vào dịp rằm, trời trong, trăng toả ánh dập dờn trên sông Lân. Chúng tôi ra bờ sông hóng mát, nói chuyện với bà con người làng, nhớ lại chuyện xưa. Hồi ở Moskva khi còn học phổ thông, Duy Cường có mấy năm làm lớp trưởng. Trong lớp thỉnh thoảng Duy Thắng hay Phạm Phu lại được “bình chọn là chậm tiến… Nhắc lại thấy rất ngộ và không nhớ nổi các cậu được chọn như vậy vì lý do gì.

Về bình bầu lớp tiên tiến ở Lư Sơn, tôi lại nhớ một buổi chiều cuối tháng 9-1953. Trời hanh khô. Núi rừng Lư Sơn nắng vàng rực rỡ. ở khu gần trường có rừng dẻ cây lúp xúp, cành trĩu quả vừa tầm tay với. Mấy hôm trước, có một hai cậu nghịch ngợm trong lớp như Nguyên Hân, Tiến Nguyên đã lẻn đi hái hạt dẻ. Rồi gần như cả lớp rủ nhau đi, hái loại hạt dẻ mà sau sang Nga được nghe gọi là hạt dẻ Hy Lạp: vỏ có gai nhưng hạt to màu nâu sáng, ăn rất bùi. Chiều hôm sau bình bầu đơn vị lớp, ý kiến chung là lớp ta không nên nhận tiên tiến, vì vào rừng đi chơi, hái hạt dẻ không xin phép thầy phụ trách (thầy Lý Trần Quý). Không hiểu vì sao riêng mình tôi giơ tay: lớp ta vẫn xứng đáng tiên tiến, vì ngoài chuyện đi hái hạt dẻ, các mặt khác đều phấn đấu tốt…
Mấy ngày sau, vào đầu tháng 10, nhà trường tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho học sinh toàn trường. Khi bác sĩ hỏi lúc nhỏ có bệnh gì không, tôi thật thà khai là lúc bé có bị hen. Thế là tôi vào trong tốp học sinh được chuyển về Quế Lâm, không kịp chứng kiến cảnh tuyết rơi ở Lư Sơn… Về Quế Lâm được hơn một tháng thì tôi lại cùng Trường Thiếu sinh quân chuyển về khu học xá Nam Ninh (thủ phủ tỉnh Quảng Tây) để chuẩn bị dành khu trường Quế Lâm cho học sinh Trường Thiếu nhi Việt Nam từ Lư Sơn chuyển về. Lúc đó Khu học xá mới vừa xây xong (Khu học xá cũ ở làng Tâm Hư, ngoại thành Nam Ninh). Nhà cửa, trường lớp, sân bóng rổ, câu lạc bộ… khá khang trang, nhưng còn ngổn ngang nhiều, cây cối mới trồng lưa thưa. Về sau, khu trường này dành cho Trường đại học Quảng Tây, những năm gần đây nhà cửa được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, cây xanh rợp trường.
Chúng ta nhớ ngày 20 tháng 11 năm 1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm quân sự lớn nhất Đông Dương. Hồi đó mặc dù điều kiện kháng chiến rất khó khăn nhưng thông tin vẫn rất nhạy. Một hai hôm sau trên loa phát thanh Khu học xá đã báo tin quân Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ, tôi đứng nghe mà tưởng tượng ra trời Điện Biên đầy dù trắng, dù đỏ… Tết năm đó ở khu học xá rất vui, dịp đó cũng là tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô. Trên loa vang vang bài “Thắm thiết tình Việt - Trung - Xô”. Đội văn nghệ cũng nhảy múa theo nhịp bài hát đó. Bước vào mùa xuân năm Giáp Ngọ - 1954, một năm đối với lớp chúng tôi cũng như nhiều thế hệ người Việt Nam là không bao giờ có thể nào quên.
Tháng 4-1954 chúng tôi được nghe chủ trương: học sinh phổ thông lớp lớn tuổi thì ở lại Khu học xá Nam Ninh tiếp tục học tập, số ít tuổi hơn thì lên Quế Lâm vào Trường Thiếu nhi Việt Nam (“Quế Lâm dục tài học hiệu”). Thế là tôi lại lên Quế Lâm, vào học lớp 5B. Ngồi cùng bàn với tôi có Phạm Phu, về sau cùng đi Liên Xô. Phía tay trái có Nữ Hiếu và Nguyệt Nga. Nữ Hiếu là con gái của cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, sau trở thành Đại tá, Phó Giáo sư Tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện quân y 108. Còn Nguyệt Nga sau này đi về ngành thể dục thể thao, cũng là Tiến sĩ, giáo sư môn bơi lội, sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Lớp trưởng là Mộng Ngọc (giảng viên Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng, đã mất) và Phạm Kiên là lớp phó (Kiên là đại tá an ninh, đã nghỉ hưu).
Hồi đó các thầy cô giáo Việt Nam dạy các môn học cơ bản. Thầy cô giáo Trung Quốc dạy tiếng Trung, môn thể dục thể thao, phụ trách giáo vụ và các hoạt động ngoại khoá. Phụ trách chung nhà trường là bác Đặng Văn Cáp (người được Bác Hồ giác ngộ cách mạng cuối những năm 20 của thế kỷ trước, năm 1941 là một trong những người dẫn đường đưa Bác Hồ về Pắc Bó - Cao Bằng, sau này làm Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho đến khi mất). Về sau bác Ngô Mậu làm hiệu trưởng một thời gian, cô Phương Hoa là Phó hiệu trưởng. Hiệu trưởng trường cấp I là thầy Nội, hiệu trưởng trường cấp II là thầy Phạm Huy Phương.
Tôi nhớ thầy Phương lên lớp, giảng về thời sự, thường nói kỹ về diễn biến tình hình chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Thầy vẽ bản đồ lên bảng, những mũi tiến quân của bộ đội ta, khoanh vùng những cứ điểm quân ta đang bao vây, đánh lấn…Về sau này tôi tìm hiểu mới biết thầy Phương trước đi bộ đội, từng chiến đấu và hoạt động ở Thượng Lào và Tây Bắc, học trường Lục quân khoá V rồi về công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Từ đó thầy được cử đi phụ trách thiếu sinh quân, sang Quế Lâm. Những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ở trường Quế Lâm tổ điện đài thường nghe bản tin buổi sáng của Đài tiếng nói Việt Nam. Khoảng cách từ Quế Lâm đến Việt Bắc (nơi đặt tổng đài) là khá xa, nghe bập bõm lúc rõ lúc mờ nhưng vẫn nghe được. Tổ điện đài ghi lại tin rồi chuyển cho thầy Phương. Cùng một số bản đồ được in trên báo, với con mắt của một chiến sĩ quân báo từng có mặt ở Mường Thanh - Điện Biên nên có lẽ thầy hình dung khá rõ sơ đồ trận địa.
Lúc đó tất cả học sinh chúng tôi đều tuổi còn nhỏ, hiểu biết về quân sự rất lơ mơ. Chúng tôi mở to mắt nhìn bản đồ thầy Phương vẽ trên bảng. Những cái tên Him Lam, Độc Lập, Mường Thanh, Đồi A1, Hồng Cúm… xa lạ nghe nhiều bỗng thấy quen thân. Rồi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Rồi Hội nghị Genève họp, ký hiệp định đình chiến, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đó là những sự kiện có liên quan trực tiếp đến việc các đoàn lưu học sinh đông hơn hẳn thời kỳ trước được sang Liên Xô học tập.
Những ngày đó ở Quế Lâm không khí thật rộn ràng, đất trời như có gì tưng bừng khác lạ. Trời xanh như cao hơn, những rặng núi in bóng xuống dòng sông Ly trong xanh nhìn rõ những hòn đá cuội… Điện Biên Phủ - Genève, được nhắc đến hàng ngày, với những nụ cười, ánh mắt. Riêng tôi cố hình dung mà không thể tưởng tượng ra được cảnh Điện Biên Phủ và thành phố Genève bên Thụy Sĩ như thế nào. Mãi đến năm 1984 tôi mới được đến Điện Biên Phủ lần đầu. Sau đó thì tôi lên nhiều lần, đến Him Lam, Mường Thanh, Đồi A1, bản Noong Nhai, Mường Phăng… Còn Genève mãi đến mùa hè năm 2001 mới được tới. Tôi bồi hồi đi dạo trên bờ hồ Leman, nhìn tượng đài nước (Jet d’Eau) với cột nước (cao 140 mét) trắng xoá lao vút trên trời xanh; qua khách sạn hoà bình ( l’ hôtel de la paix) nơi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn ta ở năm 1954; đi thăm khu Liên hợp quốc (trước chiến tranh thế giới thứ hai là trụ sở Hội Quốc liên) trong đó có phòng họp và nơi ký kết Hiệp định Genève.
------------------------------------------------------------------------
(Phần sau tác giả kể về những ngày ở Trường TNVN Moskva - Internat)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét