Thầy tôi
Hà Đăng Tín
(K3)
BĐH - Ngay từ ngày mới thành
lập Blog luson.quelam (2008), chúng ta đã có phong trào viết hồi ký "TUỔI
THƠ TÔI". Trong cuộc đời mỗi con người, tuổi thơ là những "trang
đời" sâu đậm nhất, huống hồ chúng ta: cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh rồi
lại cùng nhau chung sống, cùng nhau được dưỡng dục dưới cùng một mái trường hầu
như khép kín với thế giới bên ngoài, suốt 4-5 năm trời đằng đẵng xa cha mẹ, xa
tổ quốc.
Phong trào viết hồi ký TUỔI THƠ
TÔI đã được nhiều bạn tham gia. Nhiều hồi ký rất có giá trị - Chẳng những cho
riêng bản thân tác giả, mà còn khơi gợi nhiều ý nghĩa về nhân sinh quan, về
tình thầy trò, bầu bạn, về tình Quốc tế vô sản mà dẫu ngày nay người ta đã làm
biến dạng đi, nhưng vẫn còn hiển hiện trong chúng ta như một giấc mơ đẹp - có
thực.
Tác giả thiên hồi ký này -
bạn Hà Đăng Tín, học sinh lớp 3 (khi chúng ta lớp 5) không kể về gia đình mình
mà kể về một người thầy – Thầy chủ nhiệm Nguyễn Toán đã để lại dấu ấn sâu đậm
nhất trong quãng đời học sinh của mình.
*****
Thầy tôi
Tôi về lại Quế lâm đầu năm 1954. Số là: khi đoàn 2 của chúng tôi
do nhạc sĩ Hoàng Hữu Nhân làm đoàn trưởng đến được Bằng Tường thì hợp với đoàn
1 ở đó, rồi cùng nhau đáp xe lửa lên Quế Lâm. Lên đến Quế Lâm thì được tin cơ
sở chưa chuẩn bị xong, cả hai đoàn phải nghỉ lại ngoài phố Quế Lâm để chờ.
Chúng tôi được đưa về nghỉ trong khu Hoàng thành Quế Lâm thị.
.
Khi ở trạm trú xá Cục Tổ chức Bộ Quốc phòng (Tuyên Quang) Việt
Bắc, tôi đã mắc phải bệnh sốt rét. Đến Quế Lâm một thời gian tôi và một số bạn
lại tái phát bệnh, cho nên khi đoàn lên Lư Sơn, chúng tôi phải ở lại điều trị. Các
bác phụ trách cho rằng chúng tôi không đủ sức khỏe để chịu đựng cái rét ở Lư
Sơn, nên đã đề nghị để chúng tôi ở Trường Thiếu sinh quân Việt Nam Quế
Lâm.
Ở trường Quế Lâm được ít lâu thì trường Khu học xá Nam Ninh xây dựng
xong, cả trường Thiếu sinh quân Quế Lâm khăn gói quả mướp kéo nhau xuống Nam
Ninh, nhường lại địa điểm Quế Lâm cho các bạn ở Lư Sơn về, vì Lư Sơn xa Việt
Nam, khí hậu giá lạnh, nhiều học sinh còn nhỏ tuổi chịu không nổi. Ở Khu học xá
Nam Ninh chẳng được bao lâu, một tốp học sinh bé như tôi, Nông Mạnh Luân, Vũ
Tiến Dũng, Trần Mạnh Hùng, Hồ Công Chu… lại được chuyển lên Quế Lâm. Lên đến
QL, tôi và mấy bạn này được phân về lớp 3A do thầy Nguyễn Toán làm chủ nhiệm.
Về với 3A, mấy đứa chúng tôi – dân Khu học xá – không có gối thêu cá vàng,
không có áo bông dài, không có chăn hai lớp bông như các bạn ở Lư Sơn, nhưng
chúng tôi vẫn thấy ấm áp vì thầy Toán (lúc ấy chúng tôi gọi là
"anh", chưa có thói quen gọi “thầy”) ân cần chuyện trò với chúng tôi,
quan tâm hỏi han, chăm sóc như các em trong gia đình, đối xử như với các bạn Lư
Sơn khác.
Thầy Toán lúc ấy còn trẻ lắm, thầy không đá bóng nhưng chơi bóng
chuyền rất giỏi, chúng tôi thích xem thầy dẫn bóng, ném rổ và mắc kê đối phương
khi đấu bóng vào giờ thể thao buổi chiều.
Thầy Toán mỗi lần giảng bài, gợi ý học sinh trả lời câu hỏi rất tế
nhị. Thầy dùng phương pháp đặt câu hỏi để học sinh động não suy nghĩ, cùng nhau
xây dựng bài học, các câu hỏi được nâng dần từ dễ lên khó. Mỗi lần chúng tôi
phát biểu trong lớp, trả lời câu hỏi của thầy, khi nói đúng được thầy
khen:
- À! đúng rồi.
Khi nói đến “đúng rồi”, thầy kéo dài giọng như ngạc nhiên, như
thích thú được biết một việc gì mới mẻ làm người trả lời rất phấn khởi, tự tin.
Không khí học tập trong những giờ thầy giảng vì thế rất sôi động.
Các thầy cô giáo lúc bấy giờ vất vả lắm, một tuần mỗi người phải
dạy chúng tôi hơn 30 tiết: trưa, chiều và tối. Ngoài ra các thầy cô còn phải
quản lí sinh hoạt, ăn, ngủ và tự học của học sinh. Tôi tuy xuất thân từ gia
đình công chức thời Pháp, nhưng lớn lên thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bố
tôi ở bộ đội, mẹ phải chăm sóc các em còn nhỏ, lại phải lo buôn bán, khâu, máy thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình chín miệng ăn nơi đất khách quê người, ít có
thời gian dạy bảo tôi. Nhiều khi tôi nói năng hỗn láo, trên dưới bất kể đúng
sai. Vào học lớp thầy Toán, thầy uốn nắn từng lời ăn tiếng nói của chúng tôi; thầy
hay phê bình tôi nói năng vô lễ. Chúng tôi sợ thầy nhưng vẫn quý thầy lắm. Thầy
quản lý giờ ngủ trưa, ngủ tối của chúng tôi không kém phần vất vả so với dạy
học, vì chúng tôi hiếu động. Buổi trưa chỉ thích lẻn đi chơi, không chịu ngủ,
dù lên giường đắp chăn rồi mà vẫn cứ nghịch ngầm. Lên lớp 5 thầy không dạy
chúng tôi nữa, phòng ngủ của chúng tôi lúc nào cũng khai, sau mới phát hiện có
bạn bị bệnh đái dầm, nhưng không hiểu sao ở lớp 3, 4 không thấy gì. Té ra bạn
này bị bệnh đái dầm từ bé. Khi học thầy Toán, hằng đêm thầy cứ phải dạy lúc hai
giờ sáng đánh thức bạn ấy nhắc đi tè, nếu đã tè rồi thì phải giúp thay quần,
thay tấm nilon lót và lau khô nên không ai biết. Sau này chúng tôi mới biết
chuyện này và càng kính nể thầy hơn. Thầy Toán rất chú ý đến giáo dục học sinh
cá biệt. Thầy biết rõ tính nết của từng bạn trong lớp tôi. Cho đến bây giờ thầy
nhắc lại tính nết của từng người rất chính xác. Thầy thường xuyên quan tâm đến
những bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thường chuyện trò, động viên các bạn
ấy. Về sau (khi Việt Nam
đã hòa bình) có một số bạn ở trong nước tiếp tục sang Quế Lâm, vào lớp 3A thầy
Toán phụ trách. Trong số này cũng có các bạn ở khu 5 và các vùng khác vì khi
chiến tranh đường xá xa xôi cách trở nên không sang được nước bạn. Trong đoàn
có bạn Nguyệt Quý được thầy rất quan tâm, thường xuyên chuyện trò, tâm sự, săn
sóc như em út trong gia đình. Một số bạn không hiểu nguyên nhân cho là thầy
Toán cảm tình cá nhân, sau mới biết bạn Đặng Nguyệt Quý là con bác sĩ Đặng văn
Ngữ, một trí thức có công với cách mạng lại mới mồ côi mẹ nên được thầy chú ý
quan tâm. Khi biết rồi, chúng tôi càng kính phục thầy hơn. Thầy còn trẻ, phụ
trách lớp trẻ con chúng tôi thầy rất biết giữ khoảng cách đúng mức giữa người thầy,
người phụ trách với đàn em, với học trò. Chúng tôi mến thầy nhưng cũng sợ thầy,
tuy thầy không bao giờ quát mắng hoặc xỉ vả chúng tôi. Bọn con trai chơi với
nhau mỗi khi mắc lỗi thường dọa nhau: "Mày chết! Tao mách anh Toán".
Câu dọa này hay được bạn Nguyễn Tử Ánh (sau là Anh hùng Lao động) nhắc đến
nhất. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ điệu bộ và giọng Tử Ánh khi nói câu đó. Có
một lần, thầy dạy về hệ bài tiết. Thầy vẽ hai quả thận và bong bóng đựng nước
tiểu và đường thải nước tiểu, bọn con trai che miệng cười khúc khích vì cứ
tưởng cái ấy là bộ phận sinh dục, mặc dù thầy đã giới thiệu hai quả thận nằm ở
sau lưng... Các anh chàng này vẫn nghĩ đối với nữ thì ở sau lưng, nhưng với nam
là hai quả cà... Thầy biết chúng tôi khúc khích cười do hiểu lầm, đến giờ ra
chơi, thầy đến chỗ tốp bọn con trai, chỉ vào đũng quần của một bạn
mà bảo: Các cậu cứ tưởng là cái này à, không phải là hai quả cà của các cậu đâu
nhé. Chúng tôi cười òa, à! ra thế. Thầy chỉ nói thế thôi, không sàm sỡ trêu
chọc chúng tôi nên chúng tôi không dám "nhờn" với thầy.
Có một chuyện kể cũng buồn cười. Hồi ấy do ảnh hưởng của người
lớn, lũ trẻ con chúng tôi rất phong kiến, khư khư cái quan điểm “nam nữ thụ thụ
bất thân”. Vì vậy khi học múa, tập thể dục mà phải cầm tay các bạn gái là ngại
lắm. Sau, có bạn nghĩ ra kế thủ sẵn một đoạn que dài chừng 10 phân, đến giờ múa
nếu phải cầm tay bạn gái thì chìa đoạn que ra mỗi người nắm một nửa. Làm thế
không phải cầm tay bạn gái mà múa vẫn đúng động tác, cô giáo không phê bình
được. Bọn con trai lớp 3A đứa nào trong túi cũng có đoạn que như vậy. Nhà
trường tổ chức cho các thầy cô học quốc tế vũ, là mốt thời thượng hồi ấy. Có
lần bọn chúng tôi xem trộm thầy cô khoác tay, ôm eo nhau nhảy múa. Hôm sau có
bạn chạy lại ôm lấy thầy giáo của mình mà nói rằng, thầy ơi, em yêu thầy lắm. Thầy
giáo ngớ ra không hiểu, hỏi lại cậu trò vì sao em yêu thầy? Vì hôm qua em nhìn
trộm các thầy cô nhảy múa ở câu lạc bộ, không thấy có thầy! Thầy Toán xoa đầu
cậu trò nhỏ, không giải thích, chỉ cười, nói: đây là điệu múa tập thể của các
nước dân chủ như Liên Xô, Trung Quốc, lớn lên các em cũng nhảy quốc tế vũ như
thế để kết bạn với lao động toàn thế giới!
Ở lớp 3A này, tôi tuy gầy yếu nhưng cũng cao hơn nhiều bạn khác,
chạy khá nhanh. Mỗi khi chạy tiếp sức, cướp cờ, thầy Toán thường phân công tôi
chạy sau cùng của tốp để gỡ thua khi cần thiết. Tôi rất sung sướng mỗi khi được
thầy khen.
Bọn con trai chúng tôi có cái thú chơi trận giả: ẩn nấp và bắn
nhau theo kiểu phát hiện gọi tên. Người bị gọi đúng tên coi như “chết”, bị loại
khỏi cuộc chơi. Bắn nhau thì phải có súng mới oai, thế là đua nhau đi đẽo gọt
gỗ, bôi mực đen làm như súng thật. Dao và cưa là đai thùng bỏ đi, chúng tôi đem
đến phòng bác Thích mượn kéo để cắt thành lưỡi cưa rồi cũng như các bác thợ mộc
dựng giằng, lắp lưỡi, cưa gỗ thông cũng được. Bác Thích phụ trách học cụ thủ
công của trường, ở một mình gần kho học cụ buồn lắm, tôi hay đến chơi với bác,
nên bác rất quý tôi, mượn gì cũng dễ.
(Về Việt Nam, bác công tác ở nhà máy điện cơ Hà Nội, tôi vẫn đến thăm
bác; sau này chiến tranh, tôi đi lính, lâu ngày không có dịp gặp lại bác, khi
hoà bình về Điện cơ hỏi lại không tìm được bác, không biết bác bây giờ còn hay
mất. Khi nhớ lại thời Quế Lâm, thầy Toán và bác Thích là những người tôi thường
nghĩ đến trước tiên).
Cái thú chơi trận giả lan khắp trường, chúng tôi chơi cả giờ nghỉ
trưa, tự học tối xong hôm nào có trăng lại rủ nhau chơi. Thầy giáo quản lí giờ
ngủ trưa, ngủ tối rất chặt. Phòng thầy ở ngoài, chúng tôi từ phòng ngủ muốn ra
ngoài phải qua phòng thầy. Một anh bạn có “sáng kiến” rút chấn song của một cửa
sổ bị gãy, mấy đứa chuồn ra, rồi lại lắp lại như cũ, thầy không phát hiện được.
Cứ thế chúng tôi chuồn đi chơi rất nhiều lần, dù thầy kiểm tra khá gắt gao. Về
sau thấy việc chơi trận giả dùng súng gỗ ảnh hưởng đến học tập mà lại mang tính
hiếu chiến, còn trẻ con mà lúc nào cũng kè kè một khẩu súng trong người chẳng
hay gì, nhà trường cấm chơi trận giả, tịch thu súng gỗ của chúng tôi. Bù lại,
nhà trường tổ chức chơi trận giả có quy mô, chỉ huy chặt chẽ. Chơi tập thể cả
khối, cả trường thì rất thú vị, nhưng có phải lúc nào cũng tổ chức được đâu,
không bằng cách của chúng tôi, lúc nào chơi cũng được.
Tôi có con dao nhíp xin được ông anh đang học chuyên tu Trung văn
ở Hoàng thành Quế Lâm (thỉnh thoảng nhà trường cũng cho ra thăm anh). Làm súng
lục khó nhất là công đoạn làm vòng cò súng, phải khoét lỗ mới giỏi. Vì có dao
nên súng tôi làm “hơi bị đẹp”. Làm cho mình mấy khẩu, lại còn làm cho các bạn
khác nữa, có một khẩu súng tôi làm đẹp như súng thật, nhiều bạn biết và thích.
Khi có lệnh thu súng, tôi chỉ nộp mấy khẩu xấu, còn khẩu súng đẹp giấu đi, vì
tiếc công đã bỏ ra làm. Giấu một thời gian, tôi thấy ân hận vì làm thế là mình
đã lừa thầy, dối trá, thế là gói gém khẩu súng lại, tôi xin gặp thầy Toán để
thú tội. Thầy không mắng tôi, mà nói: em còn một khẩu súng làm rất đẹp mà chưa
nộp đúng không? Tôi giật mình, hóa ra chẳng có gì giấu được thầy. Thầy nhẹ
nhàng tiếp: nhưng thầy không muốn tịch thu của em mà chờ em tự giác đem đến
nộp. Thế này là em biết khuyết điểm, em là một học sinh ngoan! Lời nói nhẹ
nhàng của thầy khiến tôi cảm động và nhớ mãi...
Năm học lớp 4, tôi cao hơn nhiều bạn khác, thế là cùng
một số bạn có vóc dáng lớn hơn phải chuyển sang học lớp 4B. Ở lớp 4B nhiều anh
lớn tuổi hơn tôi, cỡ như Trần Đình Hoan, Vũ Hồng Thăng… tôi chán lắm, chỉ muốn
về học lại lớp của thầy Toán thôi, vì thế học lực của tôi sút kém đi trông
thấy, một số cá tính xuất hiện như ngang bướng… Cũng may, nhà trường thấy thế
lại cho tôi trở về lớp 4A của thầy Toán, tôi mừng đến rơi nước mắt. Sau này,
khi lên cấp 2, biết chắc không còn được học thầy Toán nữa nhưng chúng tôi vẫn không
hoà hợp được ngay với thầy cô mới. Chúng tôi vẫn quyến luyến thầy Toán, song
biết thầy còn bận dạy dỗ các bạn lớp mới nên cũng không dám lai vãng đến thăm thầy
nhiều.
Khi trường Quế Lâm giải thể, tôi về học trường Chu
Văn An, vẫn hỏi thăm tin tức về thầy, biết thầy không công tác ở Hà Nội, sau
lại đi học nước ngoài nên không có điều kiện gặp lại thầy nữa. Lên cấp III, tôi
học trường PT cấp III Hà Nội A, cùng lớp với Nguyễn Lưu, em thầy Toán, mấy lần
đến nhà thầy chơi nhưng cũng không gặp được thầy. Tôi luôn lấy hình ảnh thầy để so sánh với mình, đến cuối năm học Phổ Thông, mình cũng trạc tuổi thầy
lúc làm chủ nhiệm lớp 3A Quế Lâm, thấy mình còn non nớt quá. Cứ thầm hỏi: tại
sao một chàng trai trẻ trung như thầy lại tài giỏi thế, lại có nghị lực kiềm
chế bản thân đến thế để có thể dạy một “lũ quỷ nghịch ngợm” và chinh phục được chúng. Thầy
đã thành thần tượng của nhiều bạn 3A chúng tôi. Và tôi tin nhất định con đường
học vấn của thầy còn tiến xa hơn nữa...
Quả nhiên sau này tôi rất mừng khi đọc được một số bài báo trong
tạp chí Kiến thức ngày nay có ký tên thầy: Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Toán và
mừng vui hơn khi được biết đã qua cái tuổi 75 mà thầy vẫn viết được nhiều tài
liệu quý giá về giáo dục rèn luyện thể lực cho cả học sinh - sinh viên và người
cao tuổi. Đến nay thầy đã cho xuất bản 20 đầu sách về mảng đề tài này…
Tôi hằng nhủ mình phải cố gắng phấn đấu để đền đáp công giáo dục
của thầy cũng như các thầy cô khác, để khi có điều kiện gặp lại thầy sẽ khoe những
thành công trong cuộc đời của mình. Nhưng cuộc sống lại thường đi theo chiều
ngược với những gì mình mong ước: đời người ta, mười điều thì có đến chín điều
không vừa ý mình. Riêng tôi, có lẽ một trăm điều thì có đến chín mươi chín điều
chẳng ra gì: công danh, sự nghiệp… mọi việc đều dang dở. Trong Thiên Long Bát
Bộ có đoạn nói đến bài “kệ” mà nhà sư Hư Trúc hằng tụng, đại ý là:
Tu đạo khổ hạnh
Nhớ đến kiếp trước
Kiếp này không lỗi,
Kiếp trước tội nhiều
Dù khổ bao nhiêu
Cắn răng mà chịu.
Có lẽ tôi ứng với câu “kệ” ấy chăng? Vì thế đến tận khi bước vào
tuổi cổ lai hy vẫn chẳng có gì đặc sắc để khoe với người thầy yêu quý của mình!
Sau khi xem hồi ký này thầy Nguyễn Toán gửi e-mail cho cậu
học trò cũ:
1. Bài của “Nói Liều” dí dỏm và tình cảm làm tôi cảm động. Đã qua
gần 60 năm mà vẫn nhớ đến nhau như thế thì thật là quý hóa. Trong đời mình, tôi
đã từng dạy cấp 1, 2 rồi dần tiến lên trực tiếp đào tạo được một số tiến sĩ
khoa học giáo dục. Có nhiều chuyện đáng nhớ nhưng những kỷ niệm giáo dục đầu
tiên với cái lớp 3A bé bỏng và vui nhộn năm xưa khi mình còn rất non trẻ vẫn
nổi bật trong tâm khảm tôi.
Nhìn thấy ảnh Phương đeo ba lô chuẩn bị lên đường trong rừng sâu
Việt Bắc kháng chiến, tôi bỗng sực nhớ ra một chuỗi kỷ niệm từ đó. Như thầy trò
Đường Tăng đi thỉnh kinh, anh phụ trách nhận rồi dẫn dắt các em đi, thậm chí có
lúc cõng, gánh nhau để vượt suối, băng đèo, kể cả phải tránh cả bom đạn máy
bay, để kịp hành quân sang đất bạn học tập. Rồi rồng rắn đưa nhau qua Nam
Xương, lên Lư Sơn cảnh đẹp nhưng lạnh quá. Sau đó lại lục tục kéo về hạ trại ở
Quế Lâm, sửa sang cơ ngơi, chia lớp, mò mẫm tìm cách làm chủ nhiệm rồi dạy học
theo một số kinh nghiệm mới lúc bấy giờ. Điền vẫn nhớ nhắc đến bài giảng của
tôi về chuyện vị đại tướng trở về thăm cô giáo làng. Tín nhớ đúng đấy. Dạo ấy
tay nghề của thầy còn non. Cách dạy và học chủ yếu lúc đó là thầy gợi ý nêu câu
hỏi, các trò thảo luận sôi nổi rồi thầy nâng dần lên và kết luận. Mấy em tích
cực thảo luận, có ý kiến đúng, mới, được thầy khen, tỏ vẻ khoái trí đáng
yêu.
Lần tôi giảng bài cách trí địa lý về biển nước ta giầu đẹp có đại
sứ Việt Nam
ở Trung Quốc lúc đó đến dự lớp. Biết một số em chưa thấy biển trực tiếp bao giờ
nên tôi lên kho lương thực mượn mấy con cá biển khô to để làm giáo cụ trực quan
phần nào. Ngoài ra còn dùng một bản đồ VN cũ từ nhà đem sang. May mà lần ấy
cũng được trên gật đầu. Thùy vốn trực tính, ưa công bằng, đã nhắc lại với tôi
những kỷ niệm về thầy trò sinh hoạt văn thể hàng ngày cho vui khỏe, đỡ nhớ nhà
và góp phần phát triển toàn diện. Thỏa thời ấy béo tròn, nay đã qua từng trải
nhiều, mấy năm trước đã nói với tôi một câu ấm lòng: "Thầy đã vất vả nhiều
vì sự nghịch ngợm của chúng em".
Không quên được: Có dạo vào mùa đông giá lạnh, tôi cứ phải đúng 2
giờ đêm dậy gọi một em học sinh (sau này làm bộ trưởng) đi tè. Nếu đã "dấm
đài" thì phải giúp lau khô, thay quần áo rồi mới được đi ngủ. Mấy chục năm
sau, tôi có dịp đứng xa nhìn thấy em ấy mặc quốc phục, ngồi trên chiếc xe đen
bóng nhoáng lướt qua mà lòng thấy vui vui thầm kín. Về sau còn có mấy em nữ
cười khúc khích rồi nói với tôi: "Thầy lúc ấy còn trẻ thế mà đã phải nhắc
bọn em chú ý giữ gìn vệ sinh giới tính"... Nhắc lại vài chuyện trên, chỉ
mong các em 3A thông cảm và nhớ tới nhiều thầy cô giáo và bảo mẫu các lớp nhỏ
thời ấy.
Tuy nhớ và kể lại vài chuyện trên cho vui nhưng trong lòng tôi từ
lâu đã định rõ: Chính nhờ các thầy cô và trường khác sau này mà nhiều em đã
thành đạt, quan trọng hơn là trở thành những con người nhiệt thành, có trí tuệ.
Và rộng hơn tí chút, lúc này mà nhớ lại, nghĩ lại về Quế Lâm thời ấy cũng vẫn
cần sự trung thực, sáng suốt, có lý có tình.
2. Đọc bài viết và sơ bộ xem sản phẩm trí tuệ của T., tôi thấy em
không những thông minh (tôi đã thấy từ gần 60 năm về trước) mà nay còn có khả
năng tổng hợp đáng quý về công nghệ thông tin, ngữ điển học, làm báo... cùng sự
sáng tạo và tính chính xác. Trong thời buổi nhiễu nhương, thậm chí còn không ít
lố lăng về đẳng cấp, chức tước, mũ mãng này, càng không nên bận tâm về sự thành
đạt theo hình thức. Không ít người được học hành chưa nhiều nhưng thông minh,
có tinh thần tự học cao, suy nghĩ độc lập nên đã để lại cho đời những sản phẩm
đáng quý. Tôi gọi đó là cột mốc kỷ niệm trí tuệ mà không phải ai cũng có được.
Nói như nhà thơ Thanh Hải: Xin hãy coi đó là những nhành hoa nho nhỏ lặng lẽ
dâng cho đời. Em cứ tự tin, tự hào và vui sáng tạo hơn đi. Chỉ có điều cần vừa
sức nhé!
Nguyễn Toán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét