NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

04.PHẠM ĐỖ ĐỒNG - BÀI CHỌN IN SÁCH (3)

MẸ CON TÔI
Phạm Đỗ Đồng
Hồi kháng chiến chín năm, sợ máy bay nên chúng tôi thường phải học ban đêm. Vì vậy, mỗi đứa phải có một cái đèn dầu hỏa, phổ biến là đèn Hoa Kỳ. Tôi không có đèn nên phải nhờ ánh sáng của bạn bên cạnh. Có một lần làm tóan chia số lẻ, tôi cứ ghé sát vào bạn, làm thầy tưởng tôi coppy nên suýt cho ăn “một cái gì đó”, nhưng may sao, bài giải của tôi đúng, còn bạn sai, nên thóat nạn. Nhưng nếu cả hai cùng đúng hoặc cả hai cùng sai như nhau thì sao nhỉ? Thầy đứng cạnh chúng tôi hơi lâu, chỉ cần thêm một tý nữa là không biết tôi có cầm nổi mà không trào nước mắt hay không? Và nếu khóc thì chỉ cần chừng đó thôi, tai họa cũng đủ đổ xuống đầu bất phân sai đúng!

Tôi mang chuyện không có đèn nói với mẹ, mẹ bảo nhà mình nghèo làm gì có tiền mua đèn Hoa Kỳ như các bạn. Mấy hôm sau mẹ ra phố Đại Từ xin được một cái chai vốn đựng mù tạc dài dài, miệng và đáy bằng nhau, đã rửa sạch bong mang về nhà. Mẹ bảo tôi kiếm một cọng dây thép rồi tự tay mẹ uốn uốn, nắn nắn thế nào đó xong xâu một sợi bấc đã se sẵn vào giữa, thả vào trong chai. Hai cái ngoắc hai bên dính vào miệng chai, để cái đầu có bấc gần xuống dưới, phần trên đương nhiên trở thành bóng đèn. Mẹ đổ dầu lạc, thứ dành dụm để ăn, cho thấm đến gần đầu bấc, suýt đổ cả dầu ra ngòai. Tôi trông mẹ lóng ngóng mà buồn cười. Gặp tôi, chuyện này chỉ cần… một giây (!) Mẹ đốt đèn thử, mùi dầu lạc cháy thơm thơm, khen khét tỏa ra. Đêm mọi ngày nhà tôi thắp sáng bằng đuốc cây nứa hoặc sang hơn bằng nến nhựa trám. Mà chỉ thắp một tí đủ để mọi người lên giường, Tôi hỏi mẹ, tối nay nhà mình thắp đèn dầu lạc hả mẹ? Mẹ trả lời: không, đèn này để cho con đi học! Tôi ngớ cả người, không bao giờ nghĩ là mình sẽ đi học với một cái đèn kỳ quái như thế này. Bọn “đèn Hoa kỳ” nhất định sẽ cười cho thối mũi… Nhưng thôi, đèn của mẹ mà, song ấm ức thì vẫn ấm ức. Mẹ nhìn, biết tôi không vừa ý bèn quay đi, thở dài… Tôi miễn cưỡng mang đèn đi học, đâu có đứa nào nói gì… Mẹ tôi là bà đỡ giỏi cả huyện này biết tiếng, con của bà có mang cái đèn xấu nữa thì họ vẫn kính trọng bà như thường! Cán bộ hồi ấy được trả lương bằng thóc, khi có khi không thì ai mà chẳng biết!

Quần áo chúng tôi mặc vá chằng vá đụp, đi làm công tác Trần Quốc Tỏan như đi tắm gội cho các em bé ở những nhà neo đơn hoặc đi nhặt phân trâu bón ruộng và tăng gia, thậm chí đi học, nhiều bạn cũng mặc như mình… còn hợp, chứ đi họp thiếu nhi dưới xóm, đi cắm trại… thấy các bạn mặc quần tây xanh, áo sơ mi trắng thì chỉ chui vào một góc hoặc trốn về luôn. Mẹ biết tôi như thế nên có dịp nào ưu tiên được là mẹ ưu tiên sửa soạn cho tôi ngay. Có lần chú N là em nuôi bộ đội của dì tôi (các bà thường nhận bộ đội là em nuôi) đi công tác ghé qua sau chiến dịch Biên giới, tặng mẹ tôi một miếng vải quần nam và một miếng vải áo, tất cả đều mầu trắng, Mẹ bảo để may cho tôi đi sinh họat thiếu nhi. Tôi mừng muốn khóc, và hầu như sau đó đêm nào cũng mơ thấy quần áo mới. Mẹ mang vải quần đi nhuộm xanh “công nhân” nhưng chẳng ở đâu nhuộm màu đó nên sau khi hỏi ý kiến tôi, mẹ mang đi nhuộm màu gụ “nông dân”, là màu phổ biến nhất lúc bấy giờ. Tôi cứ tưởng sau khi nhuộm xong vải mẹ sẽ mang tôi đi may đo ở một hiệu may nào đó, nhưng lại không có tiền nên mẹ thuyết phục tôi để mẹ tự cắt may. Có lẽ tôi cảm thấy được lành lặn là nhất rồi nên đồng ý ngay, chỉ giao hẹn là phải khâu “đột” cho nó giống may máy mới được. Mẹ chầm chậm gật đầu chiều ý ông con khó tính và mỉm cười ưng thuận. Thế là những ngày sau đó, mẹ vừa tiêm chích, vừa phát thuốc cho bệnh nhân, vừa dành thời gian may quần áo cho tôi. Còn tôi chẳng đi bắt cua bắt cáy gì hết, ngày ngày chỉ ngồi bên hầm tránh máy bay cùng mẹ, nhìn mẹ may và xăm soi xem mũi kim nào quá lớn hoặc quá nhỏ để bắt mẹ tháo ra khâu lại! Không biết sự cầu toàn thái quá của tôi sẽ mang lại hậu quả gì vì chỉ biết “đẹp” bất kể xung quanh cực khổ thế nào. Thế nhưng mẹ vẫn chiều, làm như cái nghèo là lỗi của mẹ. Mẹ rất cố gắng để khỏi phải làm đi làm lại. Những ngày cuối, khi đã hòan tòan yên tâm, tôi lại tung tăng trở về với ruộng đơm đó, rừng cạm bẫy… vì dù sao ở đó luôn có sức quyến rũ với tôi đến lạ lùng. Quần áo may xong cũng là lúc tôi được đi cắm trại với sự thỏa mãn của đúng đứa con bà đỡ. Hôm trở về, tôi thấy trong mâm cơm để phần cho tôi có đĩa đựng mấy miếng thịt nhỏ. Tôi hỏi mẹ thịt gì? Mẹ bảo là thịt con quốc sập bẫy của con do thằng em đi lấy về… cả nhà ăn rồi, còn để dành cho con. Tôi sung sướng như đã không phụ công may vá của mẹ và cảm thấy được cái vị trí con trai lớn trong nhà ít ai thay thế được của mình.

Thời gian cuối của mẹ có những chuyện xảy ra không bình thường! Một hôm, một bà đẻ khó được gia đình cáng đến. Bà băng huyết nặng, mặt xanh như tàu lá, chỉ còn thoi thóp thở. Người chồng đi theo cứ lấy tay quệt nước mắt và luôn miệng nói như khấn: Bà đỡ làm ơn cứu giúp mẹ con cháu… bà đỡ làm ơn làm phúc!... Chỉ một câu đó nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dần dần như tự nói với mình… Người mẹ được mọi người khiêng lên cái giường tre cao hơn giường bình thường, quay chân vào phía trong, máu chảy theo nhỏ giọt. Xung quanh giường không một mảnh vải che chắn nên bất cứ ai đứng gần đấy đều có thể nhìn rõ hết. Mẹ chùi rửa chích thuốc, nghe tim thai, một lúc sau mẹ bảo hai người cáng và ông chồng ra ngòai nghỉ tạm, rồi ra sau nhà hội ý to nhỏ gì đó với mấy cô học viên. Họ nói gì về thuốc, thuốc!... Các cô học viên trở lại lấy nước ấm lau mặt, lau chân lau tay cho sản phụ. Những người đi theo ngồi vạ vật thiếp đi, bất kể là ở đây nhiều muỗi. Cái bếp đun nước khử trùng ống tiêm vẫn sôi nhè nhẹ và có tiếng kêu lanh canh của thủy tinh. Củi nứa cháy lâu lâu xì hơi như có ai thổi lửa. Nửa đêm mẹ gọi các cô học viên và người chồng dậy. Cầm tay vợ lạnh ngắt, ông ta bật khóc ngày càng to làm cả nhà thức dậy hết. Con em gái út sợ quá cũng òa khóc. Mẹ nói: Các chị dỗ em! Tiếng khóc trong đêm vang xa… Hàng xóm ở cách cả quả đồi, đốt đuốc sang xem có chuyện gì. Cái sân nhỏ bỗng chốc sáng bừng, một lúc sau như sợ kinh động đến người đang nằm, họ rụi hết đuốc. Đêm tháng tư bỗng trở nên đen sẫm lạ lùng! Gần sáng, những người hàng sóm lục tục trở về. Mẹ chạy theo với gọi người cuối cùng nhờ mượn cuốc thuổng và sáng mai sang đào huyệt giùm. Mộ huyệt cách nhà không xa, chỉ khoảng hai thửa ruộng, Thế là lần đầu tiên có cả hai mẹ con chết ở đây. Khỏang nửa tháng sau, lại một ca cấp cứu khác. Lần này thì cứu được người mẹ. Đứa bé cũng được chôn ở đâu đó gần ngôi mộ thứ nhất, chỗ chị em hay lang thang chơi trước đó, còn bây giờ đố đứa nào dám ra, thậm chí dám nhìn… Người chết hồi đó được bọc trong bất cứ cái gì họ mang theo, không có hòm siểng gì hết. Nghi lễ không lấy đâu ra nhang đèn, chỉ có những chắp tay vái lạy suông cùng nước mắt, nước mắt và… nước mắt!

Mẹ tôi là trưởng phòng y tế huyện Đại Từ (thuộc Ty Y tế Thái Nguyên) và tất nhiên là một Đảng viên, phòng không có nhân viên nên lúc nào có chuyện bệnh tật gì, ở đâu, người ta gọi là đều phải đi một mình. Có ca đẻ khó của một sản phụ người Mán Cao Lan ở rất xa, người ta đưa mẹ đi đến đó hai ngày đêm. Ở nhà chị em cứ nhìn lên dãy núi xanh xa mờ ngóng mẹ. Trời lất phất mưa, ếch nhái côn trùng kêu thê thảm… Có con ễnh ương bé xíu mà tiếng kêu ai oán lại to hơn tất cả. Nó ở ngay bụi nứa sơ xác cạnh nhà. Ngày mẹ về, người ướt hết, chân và quần bê bết bùn đất và lên cơn sốt rét run cầm cập, nhưng dù sao thì mẹ cũng đã về… Mẹ bảo chị lớn đi nấu cho mẹ ít nước nóng để thay quần áo, xong mẹ lên giường trùm chăn chiên kín đầu. Tất cả mấy đứa lớn nhỏ nằm đè lên ôm chặt sưởi ấm cho mẹ… Mẹ không rên, chỉ nghe thấy tiếng hai hàm răng đánh vào nhau lập cập qua làn chăn mỏng. không ngăn nổi cái lạnh từ trong lạnh ra… Sáng sớm hôm sau có tí mặt trời đã thấy mẹ ra vườn cuốc đất. Mẹ bảo sốt nhẹ, sợ nằm thành nặng luôn. Đất ở đây đầy rễ cây guột, kết thành từng mảng, rẫy lên nghe rột rột, muốn trồng cây phải cuốc bóc hết cả mặt trên đầy rễ lên. Đất đen lộ ra trông rất màu mỡ, nhưng lạ thay, cây rau trồng xuống chỉ thấy mọc lơ thơ cho tòan cọng là cọng, dai muốn trẹo quai hàm. Cuốc đất như thế, không biết mẹ đã ăn mấy củ khoai chưa? Chị lớn bảo lấy ít gạo nấu cháo cho mẹ, mẹ bảo đừng, gạo còn quá ít để dành cho em con, phòng lúc nó ốm đau… Đi xa mấy ngày, về lại sốt rét, con em út mới 5 tuổi cứ bám riết lấy mẹ như sợ bị ai lấy mất, không chị nào dỗ nổi. Mẹ cuốc đất nó cứ ngồi đầu bờ mếu máo… Đêm, lúc nó thiu thiu ngủ trong lòng mẹ, mẹ cất tiếng hát ru, tiếng mẹ như từ đâu vọng lại, như lời nhắn gửi trước, cho một ngày không còn xa…

Đêm đêm, có một nàng chinh phụ
Bồng con thơ chua xót chuỗi ngày xanh
Dạ tái tê, ngóng người đi không hẹn
Thắp nén hương, rồi dốc cạn chén tình!...

Chỉ biết mẹ không còn phải nằm nữa nên tôi vẫn vô tư đi câu cá, bẫy chim. Tôi thấy trên bờ con mương chảy trước nhà, thấp thoáng mấy con chim quốc lùi lũi đi tự nhiên như trên miền đất hoang lạ, giơ cái đít có đám lông đỏ xẫm như màu cốt trầu trêu ngươi… bèn đặt bẫy trên đường đi của chúng. Bẫy quá gần nhà, chim không sập bẫy mà gà nhà lãnh đủ (!) Thằng em khóc toáng lên, dặm chân đùng đùng, bắt đền con gà trống choai choai của nó. Tôi đành cầu cứu mẹ, tuy rất sợ mẹ mắng… Mẹ tủm tỉm cười nhìn tôi đang không hết ngơ ngác. Khóc chán và không biết mẹ dỗ thế nào mà cuối cùng nó cũng chịu im luôn… Tôi đoán thằng em này chỉ cần hứa cho con gà khác đẹp hơn và cho ăn thịt gà kho là xong… Nó nổi tiếng “lỳ” và khóc dai. Sau khi mẹ mất, chúng tôi mới biết mẹ có một cuốn nhật ký, không biết tại sao có nhiều đoạn chữ đã nhòe, đọc mãi không được. Mẹ viết bằng mực xanh, có lẽ là thuốc tiêm chống sốt rét đã quá hạn sử dụng có tên là Blue Methylene mẹ vẫn cho chúng tôi dùng làm mực viết, tốt hơn mực đi học thường dùng, làm cho nhiều bạn phải ganh tỵ. Trong nhật ký có mấy câu thơ như sau:

Hôm nay Đồng bẫy phải gà
Hốt hoảng con gọi mẹ ra đầu hồi
Chết gà vì quốc, quốc ơi
Tiếc gà nhưng vẫn thích nồi thịt kho!...

Cuốn nhật ký đó tôi còn giữ cho đến hôm nay. Nói thật, sau bao nhiêu năm rồi, tôi cũng chưa khi nào đọc hết cuốn nhật ký đó, mà chỉ có thể đọc từng đoạn, từng đoạn, mà hầu như bao giờ cũng phải bắt đầu lại từ đầu… Nó như là một báu vật luôn luôn đầy bí ẩn. Hơn nữa cứ mỗi lần cầm nó trên tay, tôi lại thấy như đang ôm mẹ run lập cập ngày nào…

Một buổi sáng mẹ không trở dậy được nữa, mẹ nói mẹ chóng mặt. Chị lớn dấu mẹ lấy gạo nấu cháo, ép mẹ ăn để uống thuốc. Mẹ ăn không hết nửa bát cháo và nói chị đi lấy thuốc cho mẹ. Mẹ chống tay khó khăn trở dậy, lấy thuốc uống mấy viên gì đó rồi nằm vật ngay xuống. Mấy đứa con hốt hoảng chẳng biết làm gì, chỉ biết xúm vào ôm chặt lấy mẹ khóc thút thít. Con em út bắt đầu khóc to nhất. Chị hết sức dỗ dành em, nhưng nó chỉ im được một lúc. Hai chị bàn nhau đi tìm chú y tá làm cùng mẹ, nhà xa tận ngoài phố Đại Từ, Chị lớn te tái chạy đi ngay. Còn chị bé ở nhà dỗ em đừng khóc, trong lúc mình thì nước mắt đầm đìa… Một lúc khá lâu sau, chú y tá có xe đạp, một của hiếm thời đó, đèo chị lớn về. Chị bé bảo: Sao chị đi lâu thế? Chú y tá nói: Nó chạy đến chú muốn đứt hơi rồi đó! Có chú, chúng tôi như chết đuối vớ được cọc. Chú tiêm thuốc cho mẹ, chắc chỉ là thuốc sốt rét và loay hoay ở cùng chúng tôi đến gần trưa. Có mấy củ sắn luộc lỏng chỏng trong nồi, nhưng mẹ thế nên chẳng đứa nào còn muốn ăn. Còn chút cháo thừa của mẹ cho con em út nó cũng lắc đầu quầy quậy…

Đến trưa, tự nhiên ngòai bờ mương có tiếng phụ nữ gọi: “Chị Hiển ơi chị Hiển, ra mà xem có ai về này!" Chắc không thấy ai thưa nên người ấy nói luôn: “Nhà này điếc hết rồi hay sao?” Chị lớn lúc ấy mới chạy ra, nói nhỏ cái gì, mọi người chạy ùa vào, té ra là cô Hòa, chú Chất, em An, cô Hảo và một người bạn cùng về một lúc (mẹ bảo gọi dì, dượng bằng cô chú cho thân mật). Không lẽ họ biết tin nhanh thế? Cô Hòa lúc nãy gọi rất to, bây giờ còn nói to hơn như quát: “Chúng mày có im hết đi không, mẹ có chết đâu mà làm om sòm như vậy!” Mọi người cùng đi im lặng không nói gì, chỉ đưa mắt lừ lừ nhìn cô. Chúng tôi biết mình thật may mắn khi gặp hoạn nạn như thế này mọi người nhất loạt về thăm mẹ, như là một điều tình cờ. Cô Hảo và người bạn cùng làm ở ngành y tế đang đi tiêm chủng trong vùng, ghé qua thăm chị. Cô chú Chất Hòa được giải ngũ, định trở về ở cùng chị để tăng gia sản xuất. Sự tình cờ này nhất định là có linh tính báo trước. Nói như cách nói bây giờ là hiện tượng thông tin “ngọai cảm”, không còn gì phải nghi ngờ!

Các cô chú bàn nhau tiêm và cho mẹ uống thuốc. Suốt mấy ngày sau, trong mê man mẹ cứ luôn miệng đòi một thứ thuốc gì đó có tên là Rontondine. Mẹ nhắc đi nhắc lại hoài, làm chúng tôi thuộc luôn, Sau này có người nói mới biết là thuốc trợ tim. Nhưng lúc đó tìm đâu ra? Như vậy là mẹ vẫn đủ tỉnh để biết mình bệnh gì, không có thuốc đó mẹ đành chờ cuộc sống ra đi từ từ… Cuộc đời mẹ là cả một chuỗi ngày dài làm việc và chờ đợi: Chờ cha về, nhưng hôm nay cha ở xa lắm chưa thể biết tin, chờ hòa bình, cái chờ đợi lớn lao nhất đang gần đến thì mẹ đã cạn hết sức lực… Một ngày mẹ nói thật nhỏ, mọi người phải cố hết sức lắng tai thì mới nghe được: “Chết đến chân rồi!...”. Được một lúc lại nói: “Chết đến bụng rồi!...” và sau đó thấy không còn nói được nữa. Các cô các chú sợ mẹ cắn phải lưỡi nên theo dân gian, lấy chiếc đũa cả chèn vào giữa hai hàm răng. Trông mẹ bé nhỏ lúc đó thật tội nghiệp như đã là người của thế giới bên kia rồi… Mẹ ngừng thở, mắt còn hé mở. Cô vuốt mắt cho mẹ và kéo chăn che kín đầu mẹ. Sau đó có người buộc hai ngón tay cái và chân cái của mẹ vào nhau và bảo các chị nhốt kỹ con mèo lại. Để làm gì thì sau này lớn lên mới biết. Bao nhiêu ngày mẹ lâm bệnh là bấy nhiêu ngày chúng tôi khóc để cho đến lúc này hầu như nước mắt đã cạn hết!

Có nhiều người hàng xóm sang giúp chôn cất mẹ. Mộ của mẹ nằm ở một góc ruộng trống, ngược với hai ngôi mộ của bệnh nhân cũ mà khi ra mương rửa ráy buổi chiều xong quay lại bao giờ nhìn cũng thấy. Lúc ấy chỉ còn nước chạy cuống cuồng về nhà. Thương mẹ thật, nhưng bây giờ mẹ đã là “ma” rồi!...

Mẹ mất tháng 5 mà tháng 6 cha mới về. Cha ra mộ mẹ một mình và ngồi ở đó khóc như có đám ma thứ hai. Mấy ngày sau cha kiếm đâu được một chiếc ba lô khá nghiêm chỉnh, gói gém ít quần áo của tôi, rồi đưa tôi ra phố Đại Từ chờ đoàn trẻ con được đưa sang Trung quốc học do anh Cao Lý dẫn đầu đi qua… Tôi mặc cái quần tây của mẹ may, chân đi đất và biết trước mặt mình sẽ là một chân trời tươi sáng mới, nhưng niềm vui to lớn ấy không thể nào làm nguôi ngoai nỗi đau xé lòng vừa mới mất mẹ ngày qua…

Sau 40 năm, hết cuộc chiến tranh thứ 2, tôi cùng thằng em cũng đã già như tôi mới có dịp trở lại nơi ở cùng với mẹ năm xưa. Chúng tôi đến phố Đại Từ nhận ra ngay cái sân vận động một thời đã bị biến thành nghĩa địa sau một trận phố xá bị ném bom. Nay mộ chí đã được bốc đi hết. Chúng tôi tìm một quán giải khát để nghỉ, định uống cà phê nhưng ở đây toàn quán bia hơi. Thôi, đành uống bia hơi và hỏi đường vào làng Bình Khang. Bà chủ quán tuổi đã hơi lớn, nhưng còn gọn gàng hỏi các bác vào Bình Khang đến nhà ai? Bình Khang đã đổi tên là… (tôi không còn nhớ tên ấy và hơn nữa với chúng tôi chỉ có một Bình Khang của mẹ thôi!) Chúng tôi bảo không vào nhà ai cả, mà chỉ vào thăm làng vì thời kháng chiến chống Pháp mẹ chúng tôi là bà đỡ ở đây. Mắt bà chủ quán bỗng sáng lên, bà nói luôn: Có phải bà Hiển không? Mẹ cháu ngày xưa cũng là học trò của bà đấy! Chúng tôi cùng ồ lên và đến lượt mình ngạc nhiên: Quá khứ không mất đi đâu cả, nó chỉ ở đâu đấy thôi, có khi còn ở ngay trong cái quán bia nhỏ xíu, chẳng ai để ý, xa xôi và ngẫu nhiên tìm đến này…

Bà chủ quán dắt chúng tôi vào làng. Trên đường đi chúng tôi kể một loạt tên những người bạn chăn trâu, bắt cá năm xưa, biết họ còn sống hầu như đủ cả. Bà chủ quán đưa chúng tôi ghé lại một nhà bạn quen gần nhất. Mọi người đều mừng vì không thể tưởng tượng nổi là chúng tôi còn có ngày gặp lại được nhau. Làng bây giờ đã thay đổi hẳn, tuy còn nghèo nhưng nhà cửa đã san sát, những con đường đã rộng hẳn ra. khô ráo, không còn cái cảnh hoang sơ năm nào nữa.

Hôm sau, nhiều người đưa chúng tôi đến thăm lại nơi đã chôn cất mẹ trước đây. Hài cốt của bà đã được cha tôi đưa về nghĩa trang Văn Điển Hà Nội từ ngay những năm đầu sau chiến tranh chống Pháp, chỉ còn cái góc ruộng nơi mẹ đã nằm xuống. Không ai san lấp trồng tỉa gì ở đó cả. Người làng như cố ý để lại y nguyên hiện trạng nơi ấy với bao nhiêu hoa dại ngũ sắc, trên còn phủ mấy cành tre giữ cho gia súc khỏi đi vào. Tôi nhìn những đóa hoa li ti đỏ, tím, trắng, vàng… long lanh trên màu cỏ xanh đậm đung đưa trong gió nhẹ mà tưởng như chính những giấc mơ nhớ mẹ hồi còn học ở Quế Lâm hiện về, tưởng như mẹ vẫn còn lưu luyến nơi đây… hay cũng đang trở lại cùng với chúng tôi vừa mới hôm nay…

Thứ bảy, 28-8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét