NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

32. NGUYỄN TRƯƠNG TRÁC - BÀI CHỌN IN SÁCH

Nhớ bạn Đặng Việt Thường 
(Nhân 5 năm ngày bạn đi xa)


Nguyễn Trương Trác 

Vậy mà đã 5 năm Đặng Việt Thường vĩnh biệt chúng ta. Thường mất ngày 17 tháng 9 năm 2004, tức mồng 4 tháng 8 năm Giáp Thân. Thời gian như giòng nước cứ mải miết trôi nhưng đôi bờ sông thì vĩnh viễn còn đó. Tuy Thường đã đi xa nhưng hình ảnh, giọng nói, những kỉ niệm của Thường vẫn sống cùng với chúng ta. Chúng ta vẫn thường nghĩ, thường nhắc lại những câu chuyện về Thường, dường như đó không phải là những kỉ niệm, mà chính là Thường vẫn đang sống cùng chúng ta...

Đ.V.Thường sinh năm 1940, quê ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, một vùng quê nghèo nằm ở phía tây quốc lộ số 1, cách thị xã Cửa Lò 7-8 cây số. Nhà nghèo, mẹ mất lúc mới lên 2, Thường trải qua một tuổi thơ vất vả cho đến khi sang Trung Quốc học cùng chúng ta... Sau khi rời TQ, Thường về học ở trường cấp III huyện Nghi Lộc. Tốt nghiệp phổ thông, theo sự vận động của Đoàn Thanh niên, Thường thi vào khoa Văn-Sử Đại học Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp đại học Thường được phân công về dạy ở trường Cán bộ Ngoại thương (ở bãi Nghĩa Dũng gần cầu Long biên). Năm 1970 Thường về Đại học Ngoại thương, được phân công dạy môn Ngữ pháp. Sau đó Thường được cử đi học Triết học ở trường Nguyễn Ái Quốc 3 năm và trở thành giáo viên Triết học. Năm 1978 làm nghiên cứu sinh Triết. Năm 1997 là Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn. Từ năm 1990 đến khi về hưu, năm 2001, Thường là trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên trường ĐH Ngoại thương. Cuộc đời người ta, thực ra, phần lớn là do trời định. Khi bước vào đời mấy ai hình dung được tương lai của mình sẽ ra sao! Hồi học cấp III, với chút vốn liếng về nhạc, họa học ở Quế Lâm, Thường định tốt nghiệp phổ thông sẽ thi vào trường âm nhạc hoặc mỹ thuật để trở thành nhạc sĩ, họa sĩ. Thế mà cuối cùng thì lại thi vào trường sư phạm và trở thành giáo viên. Khi tốt nghiệp ĐHSP Thường muốn dạy học ở vùng công giáo toàn tòng hoặc vùng xa xôi hẻo lánh để có tư liệu viết văn về những vùng này nhưng rồi lại được gọi về Hà Nội và sau này trở thành giáo viên Triết học. Thành ra những ước mơ dự định từ thời trẻ chẳng đạt được ước mơ nào! Vì thế viết cho kỉ yếu của nhà trường về bản thân, Thường đã viết bài lấy tên là “Đi chưa tới bờ”. Thường viết: “...Cho tới lúc về hưu (01-2002), nhìn lại, tôi thấy mình lênh bênh quá, khát vọng thì nhiều nhưng vì kém chí cho nên chẳng ra đâu vào đâu cả. Vòng đời của một con người thế là sắp kết thúc. Cha ông ta nói đâu có sai: “Có chí thì nên”. Bắt chước nhà văn Hoàng Ngọc Phách trong tác phẩm “Tố Tâm” tôi nói với các con rằng, khi ba mất thì nhớ ghi trên mộ chí câu này: Đây là mộ của người lắm đam mê nhưng kém chí. May mà sống trong sạch, chân tình, thẳng thắn cho nên người ghét mình vẫn ít hơn người không ghét mình. Đặng Việt Thường có tác phong và vẻ ngoài của một anh cán bộ ngành nông lâm nghiệp hay một cán bộ địa phương nhưng lại mang tâm hồn lãng mạn của một nghệ sĩ, một nhà thơ. Sống giản dị nhưng Thường thích ăn mặc diện, đi ra ngoài là comple cà vạt. Sau này, khi béo ra, mặc comple không tiện nữa thì Thường mặc những bộ cánh của đồng bào dân tộc. Thường thích chụp ảnh. Được con gái đi công tác ở Singapor mua cho một chiếc máy ảnh loại rất xịn, Thường hay vác máy ảnh đi lang thang để ghi lại những hình ảnh tâm đắc. Những năm sau này Thường cũng thường xuyên viết bài cho các báo, những bài ngắn chế diễu những điều chướng tai gai mắt trong đời sống chung quanh. Là giáo viên Triết học, trong các cuộc đàm đạo với bạn bè, Thường hay nói: “Tớ là nhà triết học, tớ có ý kiến thế này...”. Thường tin vào môn triết học như là một khoa học trong việc lí giải những hiện tượng của đời sống chứ không phải là một công cụ phục vụ cho mục đích chính trị. Tuy có tâm hồn lãng mạn của văn nghệ sĩ, Thường là một con người rất mộc mạc giản dị. Mộc mạc giản dị trong lời ăn tiếng nói, trong quan hệ với mọi người. Thường có một tâm hồn thật trong sáng. Tôi vẫn thường nghĩ, trong môi trường xã hội bị ô nhiễm cực kì nặng nề những năm qua, trong số anh em chúng mình, nhờ được hưởng một sự giáo dục tốt đẹp lúc còn trẻ mà ít bị ô nhiễm những thói hư tật xấu thì, Đặng Việt Thường của chúng ta là một trong những người có hệ miễn nhiễm khỏe nhất. Ở trường đại học Thường vẫn giữ được trọn vẹn những đức tính cao quý của người thày như những người thày đã từng dạy chúng ta trước đây với sự mẫu mực về đạo đức, tình thương và trách nhiệm đối với sinh viên, học trò. Tôi còn nhớ 2 mẩu chuyện về Thường. Trong chuyến đi du lịch Điện Biên của các bạn lớp ta, đến một chỗ xe đỗ lại nghỉ, Thường đã chụp ảnh cho mấy cháu gái người dân tộc đi học về. Chụp xong Thường hỏi và ghi lại địa chỉ. Về Hà Nội Thường rửa những bức ảnh đó rồi gửi cho các cháu. Thường nghĩ, các cháu ở đây ít có điều kiện chụp ảnh nên chụp cho các cháu và khi các cháu nhận được những bức ảnh của mình do một người xa lạ gặp trên đường gửi cho thì các cháu sẽ ngạc nhiên và vui biết chừng nào. Trong chuyến đi Sapa cũng do các bạn lớp ta tổ chức sau đó ít lâu: Một hôm đi xuống bản, Thường mệt, tay chống gậy không theo được mọi người. Ở lại, Thường rẽ vào một quán ăn bên đường. Thấy có hai cháu ngồi ăn ở bàn bên cạnh, trên bàn chỉ có một đĩa rau. Thường sang ngồi cùng các cháu và hỏi các cháu không thích ăn thịt ư? Hai cháu trả lời thích nhưng không có tiền. Vậy bác mua tặng các cháu một đĩa thịt bò nhé! Và Thường đã mua thịt cho hai cháu rồi nhìn các cháu ăn một cách ngon lành, trong lòng dâng lên một niềm vui ấm áp. Lúc mọi người từ trong bản quay ra Thường đã kể lại cho tôi chuyện này. Tôi nghĩ chắc không phải chỉ hai lần ấy mà Thường đã nhiều lần làm những điều cho người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ khó khăn được vui và Thường cảm thấy vui niềm vui ấy. Tôi tin rằng trong các bạn chúng mình cũng có rất nhiều người đã từng không chỉ một lần làm những việc tương tự và cảm thấy hạnh phúc khi làm được việc gì đó mang niềm vui cho người khác. Có một điều hết sức đặc biệt là Thường đã chủ động chuẩn bị cho chuyến đi xa của mình từ trước. Khi nhận thấy sức khỏe giảm sút Thường bắt đầu viết hồi kí về cuộc đời mình để lại cho con cháu. Chắc là do sức khỏe yếu nênThường mới chỉ viết được về những ngày còn nhỏ ở quê trước khi đi Trung Quốc. Chuẩn bị cho tang lễ của mình Thường đã tự viết điếu văn cho mình mà Thường gọi là Lời điếu. Thường nói mình đã viết điếu văn cho nhiều bạn bè thì bây giờ cũng viết cho mình. Tôi nghĩ, Thường không muốn có một bản điếu văn cho mình được viết sẵn một cách vô cảm, theo một khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người. Trong điếu văn đó Thường viết: “...Là giảng viên, anh không ngừng học tập nâng cao trình độ lí luận, cải tiến phương pháp giảng dạy, coi sinh viên như con em ruột thịt... Thẳng thắn, trung thực, liêm khiết, có chí tiến thủ và luôn luôn trăn trở với đời. Đó là điều mà mọi người cùng ghi nhận khi nói đến anh Đặng Việt Thường... Khi sống anh rất yêu đời, lãng mạn; trong sự lãng mạn đó, anh tự biết: sinh, lão, bệnh, tử là luật của tạo hóa; anh thanh thản chấp nhận nó...” Ngoài Lời điếu, Thường còn viết sẵn Lời từ biệt và nhờ anh Đính - một người bạn thân, đọc sau Lời điếu. Thường viết lời từ biệt như sau: “LỜI TỪ BIỆT (đọc sau Lời điếu) Thường ơi! Khi còn sống, cậu nói với chúng mình rằng, nếu cậu nằm xuống thì hãy đưa cậu đi thật nhanh kẻo thối thây. Cậu giải thích, thối thây nghĩa là kẻ vô tích sự. Thường ạ! Lúc sống, Thường cũng còn nhiều khuyết tật lắm nhưng Thường không đến nỗi là kẻ vô tích sự đâu. Sao cậu tự hạ thấp mình đến thế. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, cậu sẽ theo mây, theo gió mà đi. Nhưng mây, gió không thể che khuất nổi hình ảnh của cậu trong tâm trí của chúng mình - những người bạn sống rất thật lòng của cậu. Xin vĩnh biệt Thường. Cầu mong thường siêu thoát. Ghi chú: Đính chiều Thường, nếu Đính đi sau thì gắng đọc cho mình để mình chết cũng khác người một tí. Xin cám ơn”. Thường ơi! Cậu đi xa đã 5 năm rồi. Chúng mình vẫn nhắc đến cậu. Chẳng mây, chẳng gió nào che khuất hình ảnh cậu trong tâm trí của chúng mình đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét