Hồi ở trường Quế Lâm, tôi
và Xuân Thiên cùng học lớp 5A, thân nhau không biết từ khi nào; chỉ biết rằng
chúng tôi đã giữ mãi tình bạn thân thiết và sâu lắng ấy cho đến tận ngày Xuân
Thiên ra đi về cõi vĩnh hằng. Ngay cả lúc này, bao nhiêu năm đã trôi qua, trong
ký ức của tôi, Xuân Thiên vẫn thường hiện về với hình ảnh một
con người cương nghị, giản dị, ít nói nhưng giàu tình cảm, thủy chung, nụ
cười hiền với chiếc răng khểnh rất đáng yêu...
Còn nhớ lần đi trại
hè sông Ly, hồi ấy chúng tôi rất say đá bóng. Tôi thường bắt gôn, còn Xuân
Thiên tiền đạo, một lần tôi nhào ra cản một đường bóng, bị ngã đau, bạn ấy đã
chăm sóc tôi rất tận tình khiến tôi nhớ mãi.
Hồi 1957, chúng tôi chụp ảnh 3
người trong nhóm tâm giao, gồm: Huy Châu, Xuân Hoài và Xuân
Thiên. Trong quyển Album gia đình, bức ảnh ấy luôn nằm ở vị trí trang trọng, và
kỳ diệu thay, 60 năm rồi, nước ảnh vẫn tươi mới như vừa chụp ngày hôm qua.
Trước khi về Nam Ninh, theo
yêu cầu của cô Quế chủ nhiệm lớp, chúng tôi đều phải viết nhật ký tu dưỡng và
viết lưu niệm cho nhau. Tôi vẫn nhớ, chữ Xuân Thiên đẹp, cứng cáp, đều
đặn với câu mở đầu rất ấn tượng:
“Luồng gió vẫn thổi
mạnh”…, ý nói phong trào cách mạng chống đế quốc trên thế giới vẫn đang
phát triển sôi nổi khắp nơi v.v… Sau này, khi đã trưởng thành, thỉnh thoảng tôi
đem chuyện ấy ra trêu đùa nhưng Xuân Thiên không giận bao giờ, chỉ cười trừ,
coi như một kỷ niệm vui của cái thời ngây thơ, cả tin.
Về nước, tôi học trường Chu văn An, Nguyễn Gia Thiều, còn Xuân Thiên về Vinh, học
trường Huỳnh Thúc Kháng. Một điều trớ trêu là sau khi hết cấp 3, tôi
xuôi vào Vinh học đại học Sư phạm Văn Sử, còn Xuân Thiên thì ngược ra
Hà Nội học tiếng Nga rồi đi Liên Xô như nhiều bạn khác. Tuy nhiên, sự xa
cách ấy không làm tình bạn của chúng tôi phai nhạt, thậm chí còn sâu sắc
hơn. Trước ngày Xuân Thiên lên đường, chúng tôi hẹn gặp nhau tại nhà cô gái Hà
Nội cùng lớp dịu hiền, xinh xắn… và chính tại nơi đó đã diễn ra cuộc trò chuyện
kỳ lạ mà tôi vẫn còn nhớ mãi, song chưa từng kể với ai. Xuân Thiên
buồn vì tình yêu đầu đời không thành, và dường như linh cảm điều gì, bạn đã
khuyên tôi hãy thay bạn yêu cô gái ấy với ước mong rằng “bộ ba” chúng
tôi sẽ thân nhau suốt đời, sẽ luôn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau
trong bất kỳ hoàn cảnh nào… Tôi đã khuyên bạn hãy kiên trì, hãy tiếp tục thuyết
phục mọi người và giữ lấy tình yêu đẹp v.v… Nhưng cuối cùng cả hai chúng tôi
đều không thực hiện được ước nguyện của mình, đành chôn kín trong lòng
những xao động bâng khuâng ban đầu của một thời trai trẻ khó quên.
Rồi tôi tốt nghiệp đại
học và đi dạy tại Hải Phòng. Đến tháng 2-1964, trong đợt tuyển quân dường
như để chuẩn bị cho chiến tranh, tôi vô tư xin nhập ngũ để “rèn luyện và cống
hiến”, mặc dù thời điểm đó người ta chưa yêu cầu giáo viên cấp 3 đi bộ
đội. Vì sao đang là một thầy giáo cấp 3, hưởng lương 56 đồng,
tôi lại tự nguyện nhập ngũ để lĩnh món phụ cấp binh nhì 5 đồng một tháng?
Đó là một câu chuyện dài, xin không nói đến ở đây. Tôi chỉ kể những kỷ niệm với
Xuân Thiên thời bấy giờ…
Không nhớ vì sao tôi có địa
chỉ của Xuân Thiên, khi đó đang theo học ngành vô tuyến điện tại Kharcov -
Ukraina. Nhờ vậy, chúng tôi thường gửi thư cho nhau. Mỗi khi viết
cho tôi, bao giờ Xuân Thiên cũng bắt đầu bằng những từ đầy ắp thân
thương: “Huy Châu thân yêu”. Rồi tôi cũng viết cho Xuân Thiên như vậy,
những lúc ấy, lòng bỗng thấy ấm áp lắng dịu lạ thường. Hình như lời
một bài hát từ thời Quế Lâm xa xưa đã đọng lại trong tâm hồn chúng tôi đến
tận lúc trưởng thành: “Bạn thân yêu nay đang ở đâu?”… Câu hỏi chứa đầy nỗi
băn khoăn thương nhớ những người bạn cùng cảnh ngộ của một thuở thiếu thời
dường như đã khắc sâu vào tâm khảm khiến chúng tôi viết cho nhau như viết
cho người yêu.
…Ngày 5-8-1964, đại đội pháo
cao xạ 88 ly của tôi đóng quân ở Bãi Cháy nên tôi có vinh dự được trực
tiếp tham gia trận đánh lịch sử mở đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh
phá hoại miền Bắc của không lực Hoa Kỳ…
…Trận đánh kết thúc, tôi
may mắn thoát chết (mấy hôm sau, đơn vị tôi bị một quả tên lửa bắn trúng, một
học sinh của tôi cùng nhập ngũ đã hy sinh tại chỗ).
Tôi viết thư kể
Xuân Thiên nghe về trận đánh ấy. Vài ba tháng sau, tôi bỗng nhận được thư
trả lời. Bạn kể rằng các sinh viên VN rất tự hào vì chúng ta đã bắn rơi
nhiều máy bay, bắt sống phi công Mỹ. Họ dịch lá thư của tôi cho các bạn bè Liên
Xô nghe, ai cũng vừa cảm phục vừa cười vỡ bụng vì đoạn tôi tả ông đại đội phó
đứng giữa trận địa vẫy cờ và luôn mồm chửi toáng lên vì đạn bắn lên không chụm:
- Khẩu đội 2, bắn
như cục cứt thế hả, hả!...
Sau này gặp lại nhau, Xuân
Thiên vẫn nhắc lại chuyện ấy và cười khoái trá, khen văn tôi có chất hài…
Năm 1965, Xuân Thiên tốt
nghiệp về nước, rồi nhập ngũ, được điều động về Bộ Tư lệnh Thông tin, công tác
tại nhà máy Thông tin liên lạc. Còn tôi thì chuẩn bị chuyển sang quân chủng
Hải quân.
Năm 1969, tôi cưới vợ,
một nữ sinh miền Nam
tập kết tại Hải Phòng.
Xuân Thiên bận đi công
tác xa không về dự được, đã gửi cho tôi một cân chè móc câu Thái Nguyên quí
hiếm. Hương Mạch thì mang đến một liễn mỡ đủ để nấu mấy mâm cơm gọi là cỗ cưới!
Bạn Trung Hải tất bật chạy đi, chạy lại lo phần loa, đài, âm thanh, Trần
Lương giúp chụp ảnh, còn Cao Việt Bách thì hát từ đầu đến cuối toàn bài mới
sáng tác chưa từng biểu diễn. Thật là một đám cưới thời chiến tại Hà Nội hết
sức đơn sơ với sự chung tay góp sức đầy tình nghĩa của bạn bè thời Quế Lâm
khiến vợ chồng chúng tôi không bao giờ quên.
Bẵng đi một thời gian
khá dài, chúng tôi mất liên lạc với nhau, hóa ra Xuân Thiên đi B, vào
chiến trường Tây Nguyên, sang tận Nam Lào. Trong danh sách một số bạn lớp
5A đã từng ra mặt trận, đi B đi C trực tiếp chiến đấu, chắc chắn Xuân Thiên
cũng là một trong những tấm gương sáng rất đáng khâm phục và tự hào. Chỉ tiếc
bạn không còn nữa để kể lại những ngày tháng hào hùng ấy trong những dịp bạn bè
gặp nhau hoặc viết thành tập hồi ký có giá trị.
Năm 1974, sau khi hoàn thành
nhiệm vụ trong chiến dịch rà phá thủy lôi trên tàu chiến T217, E171,
tôi cùng hai sĩ quan nữa được quân chủng Hải quân cử sang Liên Xô
học tại Học viện Quân chính Lênin… Điều bất ngờ thú vị là dịp đó, Xuân Thiên
cũng sang lại Liên Xô để làm luận án Phó Tiến sĩ về chuyên nghành vô tuyến
điện. Chúng tôi đã hẹn nhau và gặp được nhau ở Matxcơva trong niềm vui
khôn tả. Chúng tôi đưa nhau vào hiệu ảnh lớn chụp mấy kiểu làm kỷ niệm để
đảm bảo chất lượng lâu dài, không muốn ảnh tự chụp, thường chẳng giữ được lâu.
Quả nhiên, cho đến nay, mấy bức ảnh ấy vẫn còn đẹp lắm. Trong bộ quân phục mùa
đông kiểu Hồng quân Liên Xô, trông hai chúng tôi có vẻ hơi nghiêm nghị
nhưng thật ra chúng tôi vẫn giữ nguyên tình cảm đằm thắm, ít
nói, nhưng sâu lắng vốn thành thói quen từ lâu..
Đầu những năm 80 thế kỷ trước,
tôi và Xuân Thiên đều được cấp trên điều về Hà Nội công tác. Vì vậy, chúng tôi
có dịp gần nhau thường xuyên hơn, vợ chồng con cái đôi bên thường đến nhà
nhau chơi, ăn những bữa cơm đạm bạc thời bao cấp, trò chuyện đủ điều nhưng
không bao giờ đả động đến quân hàm, chức tước của nhau. Chúng tôi thường nói
với nhau, những thứ đó đều là “chepukha” (chuyện nhỏ), không lâu bền trong cuộc
đời này, đừng chạy theo nó kẻo đánh mất mình, mất bạn bè…
Hồi đó, tôi có đứa con gái đầu
lòng, vợ chồng Xuân Thiên có đứa con trai; một lần chúng tôi nửa đùa nửa thật:
sau này sẽ gả con cho nhau, mặc dù bọn trẻ mới chín mười tuổi. Tuy
nhiên, việc ấy không thành, có lẽ do số phận đã được lập trình theo cách
khác, không ai cưỡng lại được.
Một hôm, tôi đến chơi thấy
Xuân Thiên không được khỏe, đã có những biểu hiện không bình thường về
thần kinh. Thậm chí hôm đến thăm Tiến Nguyên tại Viện Nguyên tử Quốc gia,
đang ăn, tay Xuân Thiên bỗng lóng ngóng làm rơi đũa xuống đất, tôi
phải gắp cho, trong lòng cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ, nhưng không biết
là bệnh gì. Lúc đầu gia đình tưởng là parkinson, sau này mới biết đó là di
chứng chất độc da cam. Thật là đau xót.
Năm 1996, tôi lại sang Nga lần nữa,
đến năm 1998 thì về hẳn. Vừa nghe tin Xuân Thiên ốm nặng, tôi vội chạy
đến nhà thì chao ôi, bạn đã nằm bất động trên giường, toàn thân gầy xọp chỉ còn
da bọc xương. Tôi không dằn lòng được, ôm lấy bạn, nước mắt rưng rưng, đau đến
tột cùng, thầm trách ông Trời sao quá độc ác bất công… Trông thấy tôi,
khuôn mặt Xuân Thiên biến dạng rất đáng thương, cổ họng có tiếng gừ gừ khe khẽ.
Minh Dương vợ Xuân Thiên
nói thầm vào tai tôi:
- Anh ấy khóc đấy!
Rồi Xuân Thiên ra đi. Đúng hôm
đó, vì một lý do riêng tư mà mãi sau này tôi mới biết không hẳn quan trọng, tôi
đã không thể đến vĩnh biệt bạn tại tang lễ. Tôi đã không được nhìn mặt
người bạn thân yêu suốt đời của tôi lần cuối cùng. Vài hôm sau, tôi đến nhà,
thắp nén nhang lên bàn thờ Xuân Thiên và đã khóc không cần kìm nén với nỗi
đau và sự ân hận không thể nào nguôi… Cho tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn
giận mình, không thể tha thứ cho mình về điều đó.
Dường như ông Trời hiểu lòng
tôi nên đã cho ngôi mộ Xuân Thiên đặt khá gần khu mộ bố tôi mà gia đình đã
chuyển từ khu A Văn Điển đưa lên Thanh Tước từ lâu… Thế là mỗi lần lên đó
thắp hương, tôi đều gặp lại bạn, lại được tâm sự với bạn những điều sâu kín chỉ
chúng tôi biết với nhau.Mấy năm sau, gia đình
bốc mộ bạn về đặt cạnh mộ ông thân sinh, vì vậy, tôi không được thắp hương cho
Xuân Thiên nữa, nhưng trong trái tim tôi, bạn tôi vẫn sống mãi, trẻ mãi, đẹp
mãi với nụ cười hiền đã trở nên rất đỗi thân quen.
…Gần đây, tình cờ được biết
nhà máy M1- Viện Kỹ thuật Thông tin Quân đội đã cải tiến thành công
máy liên lạc vô tuyến sóng cực ngắn ưu việt hơn của Liên Xô và Mỹ, tôi nghĩ
ngay đến công sức, trí tuệ và sự hy sinh của Xuân Thiên. Tôi tin chắc
rằng, thành quả hôm nay có công lao đóng góp không nhỏ của Trung tá TS
Nguyễn Xuân Thiên, một người tài năng và đầy tinh thần trách nhiệm trước Tổ
quốc, nhân dân, người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, người bạn thân
thiết một thời Quế Lâm của tôi. Hơn nữa hai đứa con trai của Xuân Thiên đều
được sinh ra trước khi bạn đi B nên không bị ảnh hưởng bởi chất độc Dioxin và
đều trưởng thành, có cuộc sống xứng đáng. Nghĩ vậy, tôi lại thấy vui lên, như
được cuộc đời an ủi phần nào.
…Xuân Thiên thân yêu, biết bao
ngày tháng đã trôi qua, giờ đây, mình ngày càng thấm thía thêm một điều giản dị
và ngọt ngào sẽ luôn an ủi mình suốt quãng đời còn lại: không
sức mạnh nào có thể cắt đứt được tình bạn của chúng ta, kể cả cái chết. Hãy tha
lỗi cho mình và hãy luôn mỉm cười rất hiền như khi chúng ta đang còn ở bên
nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét