GIỮ MÃI KỶ NIỆM ĐẸP CỦA THỜI THƠ ẤU
Lương Thúy Bình
(Đại tá CAND)
Con đường đến Lư Sơn-Quế Lâm, Nga ngữ Bắc Kinh.
Lương Thúy Bình
(Đại tá CAND)
Con đường đến Lư Sơn-Quế Lâm, Nga ngữ Bắc Kinh.
Mùa hè 1953, 14 tuổi, tôi được chọn đi học tại trường TNVN ở Trung Quốc trong đoàn con cán bộ Liên khu III. Đoàn xuất phát từ Thanh Hóa ra Việt Bắc, đi ban đêm, không dám đi ban ngày, vì sợ máy bay Pháp ném bom. Trong đoàn có cả các em bé nên khi các em mỏi chân phải cho ngồi vào thúng để các anh chị lớn khiêng. Vì mới xa nhà lần đầu nên nhiều bạn khóc, muốn quay về. Chú Kỳ, người được giao dẫn đoàn đi, luôn khuyên bảo, dỗ dành các cháu, nhưng trên đường lên Việt Bắc có bạn Khanh, con bác Vũ Đình Huỳnh, cương quyết xin về, không đi nữa, làm cả đoàn rất buồn.
Sang đến Quế Lâm (Trung Quốc) tôi được phân vào học lớp 5. Đây là thời gian rất đáng ghi nhớ trong cuộc đời học sinh phổ thông của tôi.
Tháng 9-1955 do chủ trương từ trên, tôi và một số bạn được cử đi học tiếng Nga tại Bắc Kinh.
Sau một thời gian học bổ túc chương trình văn sử địa đến hết lớp 10, chúng tôi gồm 50 bạn (từ Quế Lâm và Khu học xá Nam Ninh) thi vào Học viện Nga ngữ Bắc Kinh.
Có duyên với ngành Công An
Tháng 9-1959 chúng tôi tốt nghiệp về nước. Bình, Hiền, Kiên, Bích (Chưởng), Loan (Bè) được phân công về Bộ Công an công tác. Cuộc đời của Thúy Bình gắn bó với ngành Công an, 41 năm, cho đến lúc nghỉ hưu. Bình đã trải qua các công việc và trưởng thành từ nơi này. Thời gian đầu làm công tác phiên dịch, năm 1963 chuyển sang công tác nghiệp vụ ở cục C 39 Tổng cục An Ninh. Thời gian này được bầu làm Phó Bí thư đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Công an và được cử tham dự Festival Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 6 tại Bungari. Đầu năm 1983 được điều về làm Phó Ban Cán sự nữ Bộ rồi Hội trưởng Hội phụ nữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Được bầu là ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI, VII; Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ khóa 16 và có mặt trong đoàn đại biểu Bộ Công an đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII. Năm 1991 được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác quần chúng Bộ Công an, kiêm Trưởng ban Cán sự Công đoàn CAND, tham gia Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VI, VII. Năm 2000 nghỉ hưu với hàm Đại tá hưởng lương Thiếu tướng.
Hai Đại tá chung một mái ấm gia đình
Chồng là Hoàng Phạm An, Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng A23 Tổng cục An ninh Bộ Công an, đã nghỉ hưu. Vợ chồng mình sống vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu. Chúng mình có 3 con trai, 3 con dâu và 3 cháu nội. Các con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, luôn kính trọng, yêu thương, chăm sóc và quan tâm đến bố mẹ, ông bà. Các con mình có công việc ổn định, tiến bộ. Đó chính là nguồn động viên vợ chồng mình sống khỏe, vui vầy bên con cháu. Về nghỉ rồi, nhưng vợ chồng mình vẫn tham gia sinh hoạt nhiều Câu lạc bộ, nhiều lớp học thời học sinh, sinh viên, nên rất vui. Đi chơi nhiều, du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước vô cùng thoải mái, đầm ấm bên bạn bè, đồng chí, đồng đội.
Dấu ấn Quế Lâm
Thời gian trôi đi thật nhanh. Tất cả chúng ta đều đã trưởng thành, có những đóng góp tích cực cho đất nước. Bây giờ về an nghỉ tuổi già, nhìn con cháu phương trưởng, vẫn không quên "một thời Quế Lâm" sống xa Tổ quốc, xa gia đình, coi các thày cô giáo như cha mẹ, coi bạn bè cùng trường như anh chị em ruột thịt. Chúng ta đã cùng giúp nhau trong học tập và rèn luyện. Những năm tháng ở Lư Sơn, Quế Lâm đối với Bình không dài nhưng để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời niên thiếu mà mãi mãi Bình không bao giờ quên .
Tuy đã nghỉ hưu mỗi người một nơi, nhưng những buổi gặp mặt bạn bè Quế Lâm hàng năm do Ban Liên lạc khối V tổ chức thật vui và tràn đầy ý nghĩa. Chúng tôi vô cùng cám ơn Ban Liên lạc khối V đã tổ chức cho chúng tôi cùng nhau ôn lại tuổi ấu thơ ở Quế Lâm thân yêu trong những buổi gặp mặt hàng năm ấy.
Xin gửi đến các bạn cựu học sinh Lư Sơn-Quế Lâm tình cảm thân thương của Thúy Bình.
Xin giữ mãi những kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu Lư Sơn-Quế Lâm!
----------------------------------------------
Comment: Lương Thúy Bình là con gái của nhà CM tiền bối Lương Khánh Thiện. Chị và tôi chơi với nhau từ lâu lắm rồi vì bố mẹ Thúy Bình cùng hoạt động bí mật ở Hải Phòng với bố mẹ tôi. Bình là bí danh của mẹ tôi, còn Mai là bí danh của mẹ Bình. Hai bà mẹ lấy bí danh của nhau để đặt tên cho con gái mình làm kỉ niệm về tình bạn, tình đồng chí. Mãi cho đến sau này hai gia đình vẫn luôn qua lại thăm hỏi nhau. Chúng tôi đã cùng học một lớp từ ngày ở Phủ Lý (lớp 2 hoặc 3 gì đó) nên sang Trung Quốc là thân nhau ngay. Ở Quế Lâm chúng tôi quan tâm chăm sóc nhau đặc biệt hơn các bạn khác. Có lần tôi bị sốt cao, Thúy Bình đã cõng tôi đến trạm xá của trường và chăm sóc tôi như người chị. Thời gian bạn ấy học ở Bắc Kinh, chúng tôi luôn gửi thư cho nhau. Từ khi có gia đình, cả hai đều bận rộn nhiều với con cái và công việc cơ quan, đoàn thể nên ít gặp nhau hơn nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. (Thanh Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét