NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

23. TRẦN TRUNG HẢI - BÀI IN SÁCH

CHUYỆN CỦA ÔNG GIÁO LÀNG.
Trần Trung Hải
(Bóng bàn biển)
                                                           PCT Hội Đá quý Việt Nam
Chúng tôi thường gọi Bùi Công Sương là “ông Giáo làng” một cách trìu mến và thân tình như vậy vì nhiều lý do, cả thật và đùa vui nữa.
Gọi là ông Giáo làng vì có thời gian dài bạn làm Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 tại làng Hoàng Mai, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì (gia đình bà Xã tôi cũng ở làng này). Và hơn thế nữa, vì bạn còn tận tụy suốt đời với “nghề gõ đầu trẻ” ở những ngôi trường của nhiều làng quê khác nhau. Tuy là Hiệu trưởng nhưng B.C.Sương lại có tác phong rất giản dị của một ông giáo làng điển hình, từ ăn mặc, nói năng, đi lại… (ngay sau này, thời mà đa số đã đi xe máy loại “Kich”, “Cup” thì bạn vẫn với chiếc "mũ cối" trên đầu, đi xe đạp, hoặc cùng lắm là cưỡi “Babet…nhè”).

Tôi với B.C.Sương có nhiều kỷ niệm; chỉ xin kể một vài chuyện nhỏ để nói lên nhân cách, sự tế nhị trong cách “đối nhân xử thế” và tấm lòng của bạn với bạn bè; rất chân thành và đáng quí mà tôi nhớ mãi.

GIÚP BẠN BÍ QUYẾT NUÔI “THỦ TRƯỞNG” CHO CHÓNG LỚN.

Chuyện thế này: Hồi bao cấp, tem phiếu, đời sống vô cùng khó khăn. “Nhà nhà chăn nuôi", “Người người kiếm kế sinh nhai” bằng “nghề phụ”, vô cùng gian nan vất vả.
Cái thời mà như người ta bảo: “1 cân chất xám không bằng 8 lạng chất bột” thì hầu hết chúng ta đều phải nuôi “thủ trưởng… lợn”.
Sau này là chim cút, chó cảnh Nhật, béc giê Đức, vẹt Hồng Công…
Đến như bạn Hoàng Đức Nghi (lớp 4) lúc đó là Thứ trưởng Bộ Vật tư (sau là Bộ trưởng), nhà ở gác 3 chung cư Giảng Võ, thế mà một hôm tôi ghé chơi, thấy bạn đi làm về vẫn phải “quần sắn móng lợn” kì cọ tắm mát cho... “thủ trưởng” lợn, được nuôi trong nhà tắm của mình. Chứ nói gì đến “phó thường dân” như tôi và nhiều bạn Quế Lâm chúng ta phải nuôi lợn và cho ngủ ở gầm bàn v.v… là phổ biến như … “chuyện ngày thường ở huyện”.
Khổ nỗi tôi không mát tay, nuôi lợn rất chậm lớn, mặc dù rất chịu khó tham khảo nhiều tài liệu hướng dẫn về… nuôi lợn, kể cả bằng tiếng ta và tiếng Tây.
Rồi tôi còn nhờ một cô bạn thân tốt nghiệp khoa chăn nuôi ở Matxcơva, sau lại đi nghiên cứu sinh, lấy bằng “Phun Thuốc Sâu”( Phó Tiến sỹ) ở LX hẳn hoi làm “cố vấn” riêng; thế mà chả ăn thua gì, lợn nuôi mãi vẫn còi cọc.
Tôi lo cho “thủ trưởng” lợn khi chê ăn, còn hơn lo cho “SẾP trưởng” ở cơ quan khi ông ấy thấy trong người “khó ở", hay bị “hắt hơi xổ mũi”.
Về chuyện lợn gà, hai vợ chồng tôi đang lúc “bí” thì B.C.Sương đến chơi.
Nghe kỹ câu chuyện cách chúng tôi nuôi lợn thế nào, sau một hồi phân tích, Sương mới cho... nhận xét ngắn gọn: "Mọi khâu các bạn đều làm tốt, nhưng... chưa đủ!".
Sương nói tiếp: "Bây giờ có hai bí quyết tớ mới “phát minh”, hai bạn phải chịu khó áp dụng một cách triệt để ngay nhé!".
Một là, cho cơm nguội vào ba vỏ hộp xà phòng kem, ủ với men rượu, chờ cho lên men, rồi mỗi lần khi cho lợn ăn hòa một lon vào chậu cám; ăn xong “thủ trưởng” sẽ “ngủ say bí tỉ”. Dân gian đã có câu "ăn được ngủ được là tiên" mà.
Hai là, cho lợn ăn mỗi ngày một bát ớt chỉ thiên (còn gọi là tiêu thóc hay ớt hiểm).
Tôi nghe, sợ đến vãi cả… mồ hôi hột; vì khi ăn cơm, có lần tôi chót cắn phải miếng ớt chỉ thiên, đã thấy bỏng cả miệng, nước mắt dàn dụa, mà cho xơi cả bát ớt thì có mà toi mạng “thủ trưởng” của tôi.
Ông Giáo làng có lẽ đoán được băn khoăn, thắc mắc của “học trò cưng” nên ôn tồn giải thích:
Ăn nhiều ớt để trừ giun sán; nhưng tác dụng đặc biệt, cái độc đáo của “menu” này, chưa có “nhà bác học đông tây, kim cổ” nào nghĩ ra (?) là ở chỗ: Ớt có vị cay và rất nóng, ăn vào làm cho “thủ trưởng thông hơi… khỏi bị… bí trung tiện!”.
Cậu chẳng nghe thiên hạ có câu: “ăn no, ngủ kỹ, chổng… lên trời” à. “Chổng” để làm gì cậu có biết không?!
(May là lúc đó chỉ có tôi với ông giáo Sương, nên ông rất thoải mái giảng giải!).
Tôi cười. Sương còn “đế” thêm: Được thế, ngay cả cậu cũng chóng lớn, huống chi là… “thủ trưởng!".
Tôi thấy có lý, thế mà mình không nghĩ ra, đơn giản, rẻ tiền lại dễ kiếm.
Tôi khen và phục Sương là “cao kiến”, thật là hóm; và tôn Sương làm "Sư phụ... lợn".
B.C.Sương khoái chí cười và nói thêm như là để củng cố lòng tin cho tôi vào “phát minh độc đáo” trên: “Lợn nhà tớ mỗi tháng lên hơn 20 kg đấy”.
Sau đó ít ngày tôi và bà xã “đi thực tế” đến nhà Sương và hỏi chị Trường (vợ Sương), thì đúng lợn nhà bạn nuôi bằng “công nghệ tiên tiến” và áp dụng “bí quyết” trên, nên lên cân nhanh như vậy đấy.
(Đó là kỷ lục tăng cân thời bao cấp, khi không có thức ăn gia súc tăng trọng như bây giờ).
Trước khi ra về, B.C.Sương hình như chưa thật yên tâm; có bao nhiêu kinh nghiệm và bí quyết đều “rút ruột” truyền cả cho tôi, với câu nói cửa miệng, mà nay chúng ta thường nghe bạn Tú Riềng hay nửa đùa nửa thật, nhiều lần nói với tôi và các bạn: “Là bạn Quế Lâm, tớ không giúp cậu thì giúp ai!”.
B.C.Sương cũng nói với tôi như thế, nhưng với thái độ chân tình và nghiêm túc. Tôi biết Sương không nói đùa và vì thế tôi càng tin chắc là được Sương giúp thì về cái... "mặt lợn" (của tôi) năm tới sẽ khởi sắc!
Sương hẹn lứa sau sẽ đưa tôi đi mua lợn giống, cho nó yên tâm tuyệt đối.
Vì theo bạn: “Có giống tốt là đã nắm chắc 50% thắng lợi rồi”.
Vợ chồng tôi rất quý Bùi Công Sương vì sự chân thành, chu đáo, rất nhiệt tình giúp bạn, và đã giúp là giúp đến cùng.
Thế rồi một hôm B.C.Sương đưa tôi đi mua lợn giống, cho nên mới lại… “có chuyện” để kể tiếp.

THẦY HIỆU TRƯỞNG VÀ NGƯỜI BÁN KEM RONG.

Vào một sáng mùa hè oi ả, mặt trời đã lên cao, nắng chói chang trên những tán cây phượng vĩ hoa đỏ rực, ve sầu kêu ran trên những đường phố Hà Nội.
Các trường đã nghỉ hè, nên thầy Hiệu trưởng Bùi Công Sương cũng rảnh rang công việc.
Như đã hẹn, Sương đưa tôi ra ngoại thành để mua lợn giống về nuôi.
Chúng tôi mỗi đứa một xe đạp “loại cà tèng”, trên poocbaga buộc hai cái rọ nhỏ đan bằng tre để đựng lợn con.
Khoảng hơn mười giờ trưa, chúng tôi đến một làng quê ở ngoại thành Hà Nội.
Đây là cơ sở thân quen của Sương và là một làng nổi tiếng về lợn giống. Vì vậy không mất mấy thời gian chúng tôi đã chọn được hai con lợn giống ưng ý.
Sương khen: “Đẹp như tranh!”; và theo kinh nghiệm của bạn thì chúng sẽ hay ăn chóng lớn.
(Nói thật tôi mù tịt về cái khoản này, nên chỉ biết gật gù và trong bụng rất tin Sương).
Hai đứa đạp xe mồ hôi nhễ nhại, nhưng bù lại là có niềm vui “chiến lợi phẩm” và nguyện vọng đã đạt được.
Chúng tôi đang mải mê vừa đạp xe, vừa trò chuyện trên con đường làng phơi đầy rơm rạ thì Sương “thất thanh” “gọi dật giọng”: Hải,… Hải! rồi vội lao ngay xe đạp vào bụi cây cúc tần, dâm bụt… ven đường.
Tôi không biết có chuyện gì mà Sương có vẻ “hốt hoảng” thế, nhưng cũng theo Sương lao nhanh vào bụi cây để ẩn nấp như khi nghe tiếng máy bay địch đang lao đến trong thời chiến. Tôi vội vàng nấp sau cây duối cổ thụ.
Và ngay tức khắc, tôi nghe thấy tiếng “toe, toe” của loại "còi hơi bóp tay" mà những người đi xe đạp bán kem rong ở nông thôn thường dùng. Sương chỉ cho tôi người bán kem rong với thùng kem que, đang đứng bán kem cho mấy đứa trẻ ở ngã ba đường, cách chỗ chúng tôi "ẩn nấp' có vài chục mét.
Tôi thắc mắc hỏi: Có gì mà “sợ” thế?
Sương giải thích: “Anh chàng bán kem rong” ấy, chính là giáo viên dạy toán giỏi của trường tớ đấy.
Hoàn cảnh của cậu ta rất khó khăn, vợ cũng là giáo viên cấp 1 cùng trường, nhưng ốm yếu quanh năm; có hai con nhỏ thì một đứa bị tim bẩm sinh. Gia đình nội ngoại ở mãi Nghệ Tĩnh, không giúp được gì. Phải tự lo liệu với đồng lương giáo viên cấp 1, nếu không có thêm thu nhập thì gay lắm.
Sương nói thêm: Cậu ấy không biết làm gì hơn để có thu nhập thêm nên đành đi bán kem rong.
Thời đó có quy định cấm "người trong biên chế" buôn bán. Giáo viên đi buôn nhất là đi bán kem rong là bị kỷ luật. Lôi thôi là “mất dạy” ngay, vì tổ chức cho là “nhếch nhác”.
Mà nếu bị kỷ luật, không được đi dạy học, hoặc không được đi bán kem rong nữa, thì cậu ta biết lấy gì nuôi và thuốc thang lúc vợ ốm, con đau?
B.C.Sương bảo: Mình phải tránh, để cậu ta khỏi bắt gặp; như vậy sẽ không bị… mặc cảm. Còn mình coi như… không biết chuyện này!
Thế là cậu ta vẫn được dậy học và vẫn "được"… đi bán kem rong như không có gì xảy ra. Còn mình - ông Hiệu trưởng của cậu không phải đau lòng làm một việc trái với lương tâm, là buộc phải thi hành kỷ luật (theo quy định) một đồng nghiệp rất quý mến và đáng thương, chỉ vì "hoàn cảnh" mà phải làm “Người bán kem rong” bất đắc dĩ.
Sương nói thêm: "Mình biết đó là lao động chân chính, nhưng “tổ chức” không cho phép".
Tôi thấy ở Bùi Công Sương một “Ông Giáo làng” - người bạn Quế Lâm quý mến của chúng ta có một tấm lòng nhân hậu, “đối nhân xử thế” rất thông minh và tế nhị.
Qua câu chuyện rất đời thường trên, ở B.C.Sương - một Thầy giáo bình thường, nhưng toát lên những tình cảm và phẩm chất tốt đẹp, mà có khi nhiều người ở cương vị rất cao dễ gì đã có được.
Phải chăng nhân cách của bạn đã được ươm trồng và nảy mầm trong cái nôi “Quế Lâm Dục Tài Học hiệu” từ thời thơ ấu?.
Bùi Công Sương đã “đi xa”. Hình ảnh một người bạn với dáng vóc nhỏ bé, vẻ mặt hơi khắc khổ, bề ngoài có vẻ hơi khô khan, nhưng nội tâm lại chứa chan tình cảm với bạn bè, chân thành và sâu sắc, làm tôi không thể nào quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét