Lời tâm sự
Thanh Mai
Vào một ngày đầu năm 1953, bố mình đi công tác về thông báo cho cả nhà biết rằng mình sắp được sang Trung Quốc học. Mình mừng rỡ quá nhảy tâng tâng, đêm đêm nằm tưởng tượng ra nơi sắp đến, một chân trời mới lạ đang rộng mở chờ đón mình như thế nào…
Bên dòng sông Chu
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp bố mình làm hiệu trưởng, hồi đó gọi là giám đốc, trường Trần Phú, đào tạo các cán bộ cơ sở cho Đảng. Vì sợ lộ bí mật sẽ bị máy bay địch thả bom tiêu diệt, trường luôn di chuyển địa điểm, trung bình mỗi tháng một lần. Lúc thì lội suối xuyên qua rừng, lúc thì trèo đèo, leo núi chui vào hang, lúc thì xuống đồng bằng, nay đây, mai đó.
Nhớ mang máng năm 1951 trường Trần Phú chuyển đến Thiệu Hóa, chị em mình cần có trường để học (suốt từ vỡ lòng đến lớp 3 mẹ là cô giáo của mình, dạy đúng theo sách giáo khoa và cả môn tiếng Pháp), cô em út mới ra đời, mẹ mình quyết định xin nghỉ việc, không đi theo bố nữa.
Gia đình mình định cư ở Tân Bình Thiệu Hóa Thanh Hóa bên bờ sông Chu nước trong văn vắt, trải bãi cát vàng óng ánh đầy nắng, đầy gió. Nơi ấy là mảnh đất của đình làng đã bị đổ nát, bỏ hoang từ lâu, chỉ còn cái nền cỏ dại mọc um tùm. Bố mình lên Ủy ban xin được đất xong, nhờ người mang vào "Thành" (Hà Nội) bán bộ comple lấy tiền xây dựng ngôi nhà tranh vách đất rộng ba gian và một gian bếp nhỏ chạy dọc theo triền đê.
Chị giúp việc mang tên Loan, cô gái mồ côi, tóc vấn khăn nâu, răng đen như hạt na, trông quê mùa cục mịch, bị ép duyên lấy phải ông chồng già hay say rượu đánh đập tàn bạo, đã đuổi chị đi. Gặp chị đang trú nhờ nhà người quen, mẹ mình dắt về nuôi, dạy chị biết đọc, biết viết, biết làm toán đố. Chị hiền lành tới mức hơi đần độn.
Mảnh đất nhà mình khá rộng có hàng rào bằng rặng duối bao quanh, phía trước nhà có dàn bí và mướp, phía sau nhà có vườn. Mẹ con mình cùng chị Loan cuốc đất trồng các loại rau, mùa nào rau nấy, quây liếp nuôi đàn gà sinh sôi nảy nở khá nhiều con. Ngoài ra còn mua bông của dân làng trồng trên bãi sông gần nhà. Mình học chị Loan cán bông, se con cúi, kéo sợi, guồng sợi, nhuộm màu. Mẹ dùng sợi của hai chị em sản xuất đan thành áo các kiểu để chị Loan mang ra chợ bán buôn cho cửa hàng trong mùa rét.
(Sau khi hòa bình lập lại bố mình cùng gia đình về Hà Nội, gả chồng là “thằng nhỏ” của bà nội cho chị Loan, xin cho hai anh chị làm công nhân tại nhà máy dệt Nam Định).
Con đường xuất ngoại
Chị Loan đưa mình tới nơi tập trung. Ba cô em gái lếch thếch theo sau tiễn một đoạn đường, nước mắt ngắn, nước mắt dài. Mình nghẹn ngào bảo chúng “quay về nhà đi, đừng theo chị nữa!”
Mình lên đường sang Trung Quốc cùng các bạn Minh Gương, Quỳnh Giao, Phương Dung, Uông, Lan Thanh, chị Đảo, chị Tảo. Các bạn trai cùng lớp có Mộng Ngọc, Phạm Phu, Đắc Tâm và một số các anh lớn khác.
Trên đường đi, vai đeo ba lô đựng đủ mọi thứ lương thực. Đường sữa uống thoải mái, cơm canh, thịt, cá chén no nê. Ăn thì sướng, nhưng đi bộ cực kỳ vất vả. Ban ngày sợ máy bay oanh tạc buộc phải đêm đi, ngày ngủ. Mỗi lần các anh phụ trách cho nghỉ giải lao dọc đường, chẳng ai bảo ai vội vã trải ni lông lăn đùng ra ngủ. Muốn đi tiếp, các anh đánh thức đội quân lau nhau này tỉnh lại cực kì khó khăn. Rút kinh nghiệm, các anh không cho nghỉ nữa, cứ thế đi một lèo tới đích, vừa đi vừa cất tiếng hát hò vang vọng suốt đêm dài heo hút, quên biến cả buồn ngủ lẫn mỏi mệt.
Trời sâm sẩm tối cả đoàn ngồi nghỉ lại quán giải khát của thị xã Hòa Bình, chuẩn bị leo Dốc Cun. Mình và Quỳnh Giao rủ nhau tiến thẳng vào phía trong, mỗi đứa chiếm một chiếc chõng tre ngả lưng nằm dài. Mình định không ăn uống gì, chỉ tranh thủ nằm ngủ, nhớ lời mẹ dặn trước khi chia tay:
- Con giữ số tiền này để phòng khi bị lạc mất đoàn, có sẵn tiền mua quà ăn kẻo bị đói, đừng tiêu lung tung nhá!
Mộng Ngọc làm đoàn phó, kiểm tra thấy thiếu hai đứa vội vã vào giục. Quỳnh Giao đi ra ngay, còn mình cứ nằm lỳ. Mộng Ngọc phải lay gọi:
- Mai ơi! Dậy ăn chè, các bạn đang ăn ở ngoài kia rồi.
- Buồn ngủ lắm, không ăn đâu! Mộng Ngọc đã đoán ra, liền nói:
- Hôm nay anh phụ trách trả tiền, không mất tiền đâu. Phải ăn để lấy sức còn leo Dốc Cun chứ!
Lúc này thì tỉnh hẳn, muốn ra ăn chè lắm, nhưng “máu sĩ” nổi lên, mình sẵng giọng:
- Không muốn ăn!
Để yên cho người ta ngủ!
(Số tiền đó mình giữ đến gần biên giới mới dám tiêu.)
May mắn thay! Các anh phụ trách liên hệ, cho bọn mình lên ngồi nhờ mấy chiếc xe tải chở gạo của bộ đội. Mỗi xe ngồi được vài đứa trên các bao gạo. Xe nhảy chồm chồm, đầu cụng cả vào nóc xe kêu oai oái, thế mà vẫn lâng lâng sung sướng, vì nếu phải leo bộ qua Dốc Cun suốt đêm không hiểu sẽ mỏi gối chồn chân biết nhường nào?!
Mình với Uông làm chiến sĩ vệ sinh của đoàn, có nhiệm vụ đôn đốc các bạn tắm gội hàng ngày, rửa ráy, mắc màn trước khi đi ngủ. Phạm Phu không có màn, cứ gạ gửi cái đầu vào màn của mình hoặc màn của Uông. Mình lắc đầu quầy quậy, còn Uông mủi lòng gật đầu.
Một buổi trưa, cả đoàn ngủ trên nhà sàn. Đang ngủ, bỗng thấy cái gì đè nặng trên người, mở mắt thì ra bạn Mai Đắc Tâm đang tay ôm, chân gác lên người mình. Tức quá, đứng phắt dậy đá cho bạn ấy một cái, mắt nhắm mắt mở lao vào góc nhà nằm vật xuống ngủ tiếp, tai loáng thoáng nghe thấy nhiều tiếng khúc khích. Khi tỉnh dậy, nghĩ lại mình mới vỡ nhẽ đấy là trò tinh nghịch của mấy anh lớn. Nhè vào lúc bọn mình ngủ say như chết, các anh đã khênh hai đứa ra giữa sàn, đặt nằm ôm nhau mà cười cho vui.
(Trên đường các anh ấy xuống giữa chừng để vào trường Khu học xá Nam Ninh học, mình chẳng thể nào nhớ tên!)
Nơi tình bạn bắt đầu
Vượt qua biên giới, ô tô của Giải phóng quân Trung Quốc che kín mít đưa đến Bằng Tường, chúng mình tiếp tục cuộc hành trình bằng tầu hỏa có giường nằm thoải mái. Trên tàu được ăn nhiều hoa quả, bánh kẹo ngon ơi là ngon! Xuống nghỉ ga nào cũng được chăm sóc chu đáo, rửa mặt, rửa tay chân bằng nước thơm, trên bàn bầy la liệt những món ăn hấp dẫn chưa từng thấy bao giờ.
Rồi lại chuyển sang ô tô chạy vòng vèo lên Lư Sơn cao tít mù tắp. Ngôi trường nép mình trong mây mờ, vốn là khu an dưỡng nghỉ mát của Tưởng Giới Thạch và các tướng tá trước đây.
Đang phải sống cực khổ nơi thôn dã trong kháng chiến, đột nhiên được sống chung với đông đảo bạn bè tại một khu nhà nguy nga như thế, mình vừa ngỡ ngàng vừa hân hoan bước vào cuộc sống mới.
Lư Sơn rừng núi trập trùng
Lâu đài tráng lệ trên vùng trời cao
Suối reo, thác đổ ào ào
Mơ màng huyền ảo, lạc vào cõi Tiên
Sương giăng, mây phủ triền miên
Rung rinh hoa vẫy, nghiêng nghiêng cây chào
Đêm đêm thông hát rì rào
Nhớ em, bố, mẹ nôn nao lệ tràn!
Mùa đông trắng xóa mênh mang
Xinh xinh bông tuyết nhẹ nhàng bay bay…
Bên dòng Đào Hoa giang.
Ít lâu sau tất cả chuyển xuống Quế Lâm chính thức học văn hóa.
Nhóm tâm giao đầu tiên của mình ở lớp 5 trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm là Lệ Tiến, Bích Ngân. Lệ Tiến làm nhóm trưởng, quản lý hết bánh kẹo của cả nhóm, nhưng rất "ki bo". Sau mỗi trưa ngủ dậy, Lệ Tiến phân phát bánh kẹo cho bọn mình, chỉ són ra từng ít một, cốt kéo dài tới kỳ lĩnh bánh kẹo lần sau. Mình và Bích Ngân đòi ăn cho đã, hết thì nhịn, Lệ Tiến dứt khoát không chịu nghe theo.
Chơi đi trốn tìm, bao giờ cũng thắng vì ba đứa trèo lên cây ngồi nhởn nhơ, các bạn tha hồ lùng sục khắp nơi mà không thể nào tìm ra (đây là điều bí mật bây giờ mới tiết lộ).
Mùa hè, sáng nào cũng được ra sông Đào Hoa bơi, bọn mình thành lập một dây chuyền khuân đá từ bờ ra giữa sông. Dần dần xếp thành một hòn đảo để bơi ra đứng nghỉ lấy hơi cho đỡ mệt trước khi bơi quay lại. Sau một trận mưa to bão lớn, hòn đảo đã biến mất, thế là công dã tràng!
Những năm ở Quế Lâm mình làm ủy viên bảo vệ sức khỏe của phân đoàn nữ. Hàng ngày nhắc các bạn rửa tay trước khi ăn, kiểm tra móng tay, phát thuốc phòng bệnh, phát băng vệ sinh. Trời rét thì nhắc các bạn “mặc áo ấm và quấn khăn, đi giầy…”. Mình ân hận mãi một điều: trong mùa đông, có hôm trời nắng ấm, bạn Ngọc Trâm đề nghị cho cởi áo bông. Mình yếu chịu rét không cảm thấy nóng nên khăng khăng không cho cởi. Các bạn hồi ấy ngoan thật, chỉ dám hé mở cúc áo chứ chẳng ai cởi hẳn ra. Về sau cứ tự trách: “Sao mình lại dở hơi làm khổ các bạn như thế?!”.
Trở về Tổ quốc
Năm 1958 trở về Hà Nội, mình học trường cấp III Chu Văn An, trong một lớp toàn bọn “ngố Tầu” từ Nam Ninh về.
Mình chơi thân với hầu hết các bạn gái. Bạn trai thì thân với Như Thanh vì cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc của trường, ban ca thanh niên toàn thành. Với bạn Thế Dân cũng có nhiều kỷ niệm trong những ngày hè đi đắp đê Mai Lâm.
Điều kì lạ, sang Đức học mình lại thân với Trung Hùng, những năm trước hai đứa chẳng bao giờ nói chuyện với nhau.
Thời gian phụ trách các bạn có xe đạp của lớp xung phong đi dạy bình dân học vụ ở Đông Thái gần chợ Bưởi thì thân với Nghiệp Chí, Hồng Sĩ, những buổi tối đi dạy học hai bạn hay đưa mình về.
Quãng đường từ cuối Thụy Khuê đến Đông Thái chưa mắc điện, phải phóng xe đạp trong màn đêm tăm tối. Bọn mình băng qua “Cầu Ma Thiên Lãnh" - cầu bê tông bắc qua cống, “Miếu Giời ơi!" - đền thờ, “Mả Đạm Tiên" - bãi tha ma ven đường mới tới nơi có ánh điện soi đường về nhà. (Chẳng nhớ bạn nào trong đội bình dân học vụ (BDHV) của trường đã đặt tên các địa điểm như vậy nữa!).
Tổ xung kích BDHV có chung một cuốn nhật ký, trong sổ ghi lịch phân công thay phiên nhau dạy các lớp trong tuần. Bạn nào dạy xong phải ghi lại tình hình kể cả cảm tưởng, sáng kiến và khó khăn cần giải quyết. Là tổ trưởng tối nào cũng phải đến kiểm tra các lớp, nếu có bạn nào đột xuất vắng mặt, mình dạy thay ngay. Khi hoàn thành nhiệm vụ, Trương Đăng Quang nhận bảo quản cuốn nhật kí của tổ.
(Từ Đức về, mình tìm ngay Trương Đăng Quang xin lại cuốn nhật ký, nhưng bạn ấy đã “mai danh ẩn tích” đến tận bây giờ!)
Nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ vấp phải một “lô cốt boong ke”. Đấy là một bà già cứ chây ì chẳng chịu đi học. Các bạn thay nhau vận động thế nào cũng không được. Nghĩ tới trách nhiệm và danh dự của lớp, mình phải dùng “khổ nhục kế”. Đúng vào tối trời mưa tầm tã, không mặc áo mưa, người ướt lướt thướt đến nhà bà ta xin dạy học ngay tại nhà. Vì thương mình bị ướt rét run lẩy bẩy, bà đành phải nhóm bếp ngồi học bên ngọn lửa hồng. Từ buổi đó, bà tự nguyện ra lớp học. Tổ mình xóa hết nạn mù chữ toàn bộ khu vưc được giao phó. Nhà Trường đã tuyên dương, tặng bằng khen cho mình.
Tối hôm dùng “khổ nhục kế” cũng là tối bạn Nghiệp Chí đến đón, nhường áo mưa đưa về nhà, còn bạn thản nhiên đội mưa ướt sũng từ đầu đến chân khiến mình cảm động. Hôm sau Chí bị cảm nặng, phải bỏ học mất mấy buổi, mình rủ Trịnh Thụy đến nhà thăm và lấy vở về chép bài hộ.
Năm lớp 9, Lệ Tiến yêu Nghiệp Chí ra mặt. Thấy Nghiệp Chí hay đi cùng mình, Lệ Tiến ghen lắm. Thông cảm với bạn, muốn bạn yên tâm, mình thề trước mặt Lệ Tiến và các bạn gái trong tổ:
“Tao thề với chúng mày, ngày nào tao còn học ở trường Chu Văn An, tao không yêu đứa nào hết! Nếu thấy tao yêu, chúng mày cứ nhổ thẳng vào mặt tao!”
Một đêm trăng dịu dàng tỏa sáng trên đường đi dạy về, mình nói cho Nghiệp Chí biết tình cảm của Lệ Tiến và ca tụng Lệ Tiến hết lời. Mặt khác, mình né tránh Nghiệp Chí, giả vờ thích Hồng Sĩ. Mình hay đi sóng đôi, nói chuyện ríu rít với Hồng Sĩ trước mặt Nghiệp Chí và Lệ Tiến. Hồng Sĩ tưởng thích bạn ấy thật, nhiều bạn trong lớp cũng nghi ngờ như vậy!
Bộ Văn hóa mở đợt tuyển sinh, chọn học sinh đã học hết lớp 9, lớp 10 và cả cán bộ các cơ quan vào trường Điện ảnh, cử sang Đức đào tạo thành các cán bộ đầu ngành về làm nòng cốt phát triển xưởng phim Cổ Loa do CHDC Đức tài trợ. Mình và Hồng Sĩ đều trúng tuyển. Các bạn cứ đinh ninh là hai đứa rủ nhau đi. Thậm chí, Thúy Bình đang học ở Bắc Kinh cũng gửi thư hỏi mình về mối quan hệ này. Thực tình, đến phòng thi mình mới biết còn có Thế Dân, Hồng Sĩ, Trần Minh, Xuân Hoài, Bạch Kim, Trung Hùng, Thế Hưng v.v… cũng thi cùng với hàng nghìn thí sinh khác.
Trong thâm tâm, mình không thích Hồng Sĩ theo nghĩa của tình yêu, chỉ đơn thuần là bạn thân hơn các bạn trai bình thường một chút, giống như với các bạn trai đã kể tên ở trên mà thôi. Áy náy trong lòng, nhiều lần muốn kể hết đầu đuôi cho Hồng Sĩ hiểu, nhưng chưa có dịp nào thuận tiện. Bây giờ thì không còn kịp nữa, chắc trên trời cao bạn đã biết cả rồi phải không? Đừng trách mình nhé!
Trốn học Tiếng Đức về dự lễ bế giảng của trường Chu Văn An, mình mong muốn được ngồi với các bạn, hát đồng ca cùng các bạn, ghi lại hình ảnh các bạn lần cuối vào bộ nhớ. Thế Kỷ đưa quyển sổ lưu bút, mình đã viết cảm xúc bằng mấy vần thơ chợt nghĩ ra:
“Chúng ta như bầy chim cùng mẹ
Sống những ngày vui vẻ ấm êm
Hôm nay ta đã lớn lên
Tung bay đi khắp nơi trên bầu trời
Ánh ban mai ngời ngời rực sáng
Vầng thái dương xua đám sương mờ
Nhớ thương nhau trong giờ tạm biệt
Cầm tay nhau chẳng biết nói gì...
Rưng rưng lệ thấm ướt mi
Ngày mai thôi chẳng còn chi giờ này!”
Kể từ sau buổi đó lớp Quế Lâm cuối cùng của khối 5 “tan đàn xẻ nghé”, mỗi người đi học một nơi, nhưng vẫn luôn luôn nhớ đến nhau, viết thư và hỏi thăm tin tức của nhau.
Nghĩa nặng tình sâu
Năm 1986, sau ngày thống nhất đất nước, các cơ quan đi sơ tán đều trở về Hà Nội yên ổn làm việc, các con nay đã lớn khôn, không còn bận rộn như trước nữa, mình thấy nhớ các bạn quá. Trăn trở mãi, quyết đi tìm các bạn gái Quế Lâm, rốt cuộc mời được hơn 10 bạn tới nhà, trong đó có Minh Kim ở Hà Đông cũng ra. Lâu ngày không gặp mặt, bạn nào cũng tươi cười hớn hở, xoắn xuýt hỏi han cuộc sống của nhau, ôm lấy nhau, siết chặt tay nhau chẳng muốn rời.
Bang Ngạn với tấm lòng đầy nhiệt tình, đến gặp mình bàn kế hoạch hỏi địa chỉ, gửi thư mời các bạn Hải Phòng, chia nhau đến từng nhà những bạn ở Hà nội và nhờ bạn nọ thông báo cho bạn kia ngày, giờ hội tụ tại nhà Bang Ngạn, vì thời đó điện thoại chưa thông dụng.
Chuẩn bị cho buổi liên hoan lớp thời bao cấp nghèo khó thật đơn sơ. Vợ Bang Ngạn mua lạc về rang mất cả buổi, chồng mình liên hệ chỗ quen biết mua được một can bia hơi 10 lít, Lệ Thủy cung cấp bánh kẹo của xí nghiệp Hải Hà. Bang Ngạn dọn phòng trải chiếu xuống đất, tất cả ngồi quây quần bên nhau, niềm vui phơi phới, tình bạn dâng trào bừng lên trong ánh mắt, trong nụ cười của từng người, thỏa nỗi khát khao được gặp lại bạn bè đã xa cách bấy lâu.
Mộng Ngọc phóng xe máy từ Hải Phòng về, buổi hội lớp đầu tiên chỉ có khoảng 25-26 bạn. Bang Ngạn được bầu làm trưởng ban liên lạc đầu tiên của K5, mở đầu cho hội lớp K5 Lư Sơn-Quế Lâm-Nam Ninh từ đấy. Mỗi năm số lượng các bạn tham dự lại tăng dần lên.
Mười mấy năm trở lại đây thông tin bằng điện thoại, bằng Internet dễ dàng, các bạn khắp cả nước đều về Hà Nội tham dự hội lớp hằng năm. Nó trở thành một nhu cầu cấp thiết trong tình cảm thiêng liêng của mọi người.
Tình bạn Quế Lâm đã khắc sâu vào trái tim cùng với muôn vàn kỷ niệm thân yêu của một thời phải xa gia đình xa quê hương sống gắn bó bên nhau không bao giờ có thể nhạt phai, càng già tình bạn càng thắm thiết hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét