NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

38. QUANG TRUNG ( Về anh Toàn giáo viên TDTT)

TRÒ 70 MỪNG THẦY 80 !
                                                                                     Quang Trung

Thầy Phạm Bằng Toàn, giáo viên thể dục thể thao (TDTT) của trường TNVN Lư Sơn-Quế Lâm (LSQL) 1953 - 1957. Theo quy định xưng hô thời đó chúng ta xưng “em” và gọi thầy cô giáo bằng “Anh/Chị”. Thật ra so tuổi đời, các anh chị giáo viên cũng chỉ hơn học sinh lớp 6 (lớp lớn nhất trường) chỉ khoảng 6 - 7 tuổi!

Anh Toàn là giáo viên tổ Văn-Thể-Mỹ cùng với anh Mộng Lân, anh Văn Nhân (dậy Nhạc) và anh Lê Nguyên Lợi dậy Họa. Các anh vừa là nhà giáo nhưng cũng là những người có năng khiếu thật sự về chuyên môn, như anh Văn Nhân, anh Mộng Lân. Đặc biệt anh Mộng Lân sau này trở thành nhạc sĩ có nhiều sáng tác nổi tiếng cho thiếu niên nhi đồng. Anh Lê Nguyên Lợi, một họa sĩ có tài trong số các học viên lớp hội họa Tô Ngọc Vân khóa đầu tiên trong chiến khu Việt Bắc. Anh Toàn, khi ở trường TNVN đã là vận động viên chơi đủ các môn: bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, trình độ ngang ngửa với các vận động viên địa phương. 

Về nước anh Toàn tiếp tục công tác ở ngành giáo dục, chuyên dậy bộ môn TDTT. 
Những năm 60 thế kỷ trước anh Toàn còn là một trong những trọng tài bóng đá nổi tiếng, cùng lứa với trọng tài Huy Khôi. 
Có thể nói, anh Toàn là lớp thầy giáo đầu tiên của chế độ mới (VN DCCH), lớp thầy giáo tài năng và hết lòng vì học sinh thân yêu - là lớp thầy giáo hoàn toàn không coi học sinh là "khách hàng" của mình. 60 năm đã trôi qua, thầy trò mỗi người một nơi nhưng thầy vẫn nhớ những học sinh của mình. Một thầy giáo TDTT nhưng lại là một người có tâm hồn nghệ sĩ, anh không bao giờ vắng mặt trong các cuộc họp mặt Quế Lâm và lần nào anh cũng chủ động hát những bài hát của thời chúng ta, kể cả những lần gặp gần đây nhất khi thầy giáo Toàn đã 80 tuổi 

Anh Toàn nghỉ hưu, lúc đầu sống ở khu nhà vườn thuộc huyện Dĩ An, Tỉnh Bình Dương. Hiện nay hai anh chị sống phong lưu trong một biệt thự đầy đủ tiện nghi ở Quận 2. Học trò Quế Lâm đến thăm anh chị có thể sẽ phải ngạc nhiên vì phong độ thân thiện, trẻ trung của cả hai người. Anh Toàn nhiệt tình giới thiệu những tấm ảnh lưu niệm quý, những kỷ vật từ thời chống Pháp, chống Mỹ. Chị Hiền, tự nhận là “sư tử Hà Đông” nhưng rất… hiền, lần nào cũng trực tiếp thiết kế bữa tiệc đãi khách. Chị Hiền đề nghị tất cả “các em” không gọi “thầy, cô” mà gọi bằng “anh, chị” cho đúng phong cách Quế Lâm. 
Trước khi nhập tiệc, anh Toàn lấy ra một chồng đĩa sứ có in hình con gà trống, nói: mình năm nay tròn 80, tuổi Dậu, tức tuổi Gà. Em nào tuổi Gà mình sẽ tặng một đĩa làm kỷ niệm! 
Cả bàn tiệc hơn chục học trò cũ chỉ có mỗi Minh Phụng (lớp 3 - vợ Hoàng Kim Chung) giơ tay. Anh Toàn chọn đúng đĩa có hình con gà trống tặng Phụng. Tất cả vỗ tay rào rào. Ai cũng thương cảm, Kim Chung mất lúc Phụng còn trẻ, lại trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nuôi hai con nhỏ khi mới từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Chính chị Hiền, anh Toàn đã giúp đỡ rất tận tình. Nhắc tới đây Phụng nghẹn ngào suýt khóc thành tiếng: “Ngày Tết 3 mẹ con chẳng có gì, chị Hiền phải cho cả bánh chưng…”.
Để thay đổi không khí chị Hiền chuyển sang “tiết mục” mới. Chị lấy ra một tập phong bì, bên trong có sẵn… một tờ 2 đô la Mỹ! Tất cả “học trò” ồ lên hớn hở. Chị nói, anh chị tặng mỗi em một tờ để lấy “hên” nhân ngày anh Toàn của chị tròn 80 tuổi!". Hồ Xuân Nguyên (học sinh lớp 3 - con trai nhà cách mạng Trần Quốc Thảo) xin phép phát biểu: “Em là thằng học sinh quậy phá của thầy, em xin lỗi thầy cô. Và hôm nay em xin đọc tặng thầy một bài thơ. Vì em cũng U-60 rồi nên trí nhớ kém, mắt lại mờ, nên bài thơ em chép ra giấy rồi dán vào chai rượu sâm banh. Bây giờ em xin phép đeo kính vào để đọc!
Đọc xong thơ Xuân Nguyên tự tay mở chai sâm banh nổ cái bốp. Tiếng cười vang lên. Rượu rót ra li, anh Toàn bắt giọng cho tất cả cùng hát vang bài ca “Nâng cốc” quen thuộc. 
Câu chuyện quanh bàn tiệc rôm rả nhất vẫn là các chuyện thời LSQL. 
Thầy trò đều tóc bạc da mồi mà tâm hồn thì vẫn tươi xanh không chịu… già !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét