TÌNH THÀY NGHĨA TRÒ
Nguyễn Minh Đức
BĐH - Do một sự "tình cờ mầu nhiệm" như lời tác giả bài viết này diễn tả - cụ Minh Đức, đã bắt liên lạc được với thầy Tuấn, hiện đang nghỉ hưu cùng gia đình tại Tp.Thái Nguyên. Từ manh mối này Minh Đức có được nhiều thông tin và hình ảnh quý về thầy Tuấn. Bài viết sau đây chỉ là một phần nhỏ tư liệu tác giả có được về thầy Tuấn.
Tình Thày, nghĩa trò
Hàng ngày, mình và một người em thân thiết của mình, đang là Hiệu phó một trường tiểu học, vẫn thường hàn huyên với nhau về mọi chuyện trên đời. Một hôm, nhân bàn về giáo dục Việt Nam, mình kể về trường Dục tài học hiệu Quế Lâm - nơi có thể được coi là một trường mẫu mực về giáo dục nhân cách cho trẻ. Chỉ mấy năm học thôi nhưng để lại dấu ấn cho cả một đời người.
Thật ngạc nhiên, khi cậu em cho mình hay, có một thầy giáo đã dạy tại trường đó, chủ nhiệm lớp 5A, nay đã 80 tuổi nhưng vẫn luôn sôi nổi khi nhắc lại kỷ niệm về những ngày xưa ấy. Dĩ nhiên mình phải hỏi ngay đó là ai?
Vô cùng bất ngờ khi biết người thầy giáo ấy chính là thầy Phạm Mạnh Tuấn.
Ký ức xưa chợt ùa về, nhớ thầy Tuấn thân thương chủ nhiệm lớp mình đã dạy môn văn và địa, thích đá bóng, hay hát và để lại ấn tượng đặc biệt khác lạ khi thầy hay phá cách trong xưng hô với học trò. Còn nhớ, thời gian đầu chúng ta gọi thầy giáo là anh xưng em, rồi sau này là thầy, cô, nhưng riêng thầy Tuấn lại thường xưng hô một cách thân mật đặc biệt là mình và các cậu.
Nhận được tin, tức tốc mình gọi điện thoại cho Nguyên Hân, Quang Trung, Khoa Phi, Hữu Hùng… báo tin. Hân cho biết mấy năm nay không thấy thầy Tuấn vì không có địa chỉ liên lạc… Thế là lại một câu chuyện “Như chưa hề có cuộc chia ly” kết thúc có hậu. Mình đã điện thoại gặp thầy và thông báo hội trường năm nay sẽ tổ chức vào ngày 24 tháng 8. Chắc chắn, chúng ta sẽ được gặp lại thầy trong dịp này.
Những kỉ niệm về một thời Lư Sơn – Quế Lâm được thầy nâng niu trân trọng. Mỗi khi nhớ về thời ấy, nhớ về những đồng nghiệp cùng kề vai sát cánh trong những tháng ngày xa Tổ quốc, nhớ về những học trò nhỏ bé thân thương của mình, thầy lại thấy khóe mắt cay cay. Trong số bạn bè đồng nghiệp của thầy ngày ấy ai còn? Ai đã đi xa? Giờ muốn gặp lại liệu có còn được nữa không? Mái tóc thầy bạc trắng, mái tóc của các học trò ngày nào cũng điểm bạc. Nhớ lắm kỉ niệm một thời đã xa, thầy lại mở cuốn sách “Lư Sơn Quế Lâm Một thời để nhớ” ra ôn lại những kỉ niệm mà có lẽ trong suốt cuộc đời này thầy không bao giờ có thể quên được.
Thầy cho biết, thầy vẫn giữ tấm hình chụp các học trò và đồng nghiệp của mình ngày ấy, có địa chỉ họ tên của từng người trong lớp. Và rồi, thầy nhớ lại đám học trò nhỏ từ khắp miền đất nước được học trong một ngôi trường như mái ấm gia đình khi xa Tổ quốc.
Thầy đóng khung kính treo trang trọng tấm hình chụp lũ trò nhỏ lớp 5A. Mình nhờ cậu em chuyển ngay qua internet cho mình tấm ảnh lớp 5A. Hí hửng mở, dĩ nhiên mình nhận ngay ra thầy Tuấn, Thầy Hải, Thầy Hàm; nhưng quan sát mãi đám học trò chả thấy đứa nào giống lớp bọn mình cả! Không tin ở trí nhớ của mình, lập tức gửi ảnh cho Nguyên Hân, người có trí nhớ phi phàm và được coi là cây từ điển sống về trường Quế Lâm, và chuyển tới nhà báo, nhà thơ Quang Trung.
Nguyên Hân khẳng định đó là ảnh lớp 4, còn nhà thơ - theo thói quen nghề nghiệp “vơ vẩn cùng mây” nhận chắc như đinh đóng cột người đứng thấp trong khung cửa sổ chính là Quang Trung.
Sau đó mình nhận được hình chụp danh sách lớp lồng sau khung kính tấm ảnh có ghi họ và tên từng người theo từng hàng.
Thế là rõ, đó là lớp 4A có Phan, Nhạc, Khải (cóc)…
Thầy còn lưu giữ những bức thư của các học trò từ các vùng miền của Tổ quốc gửi về. Trong đó có một bức thư của một người học trò cũ - Anh Nguyễn Đình Tuân và còn có cả tấm hình chụp kỉ niệm hai thầy trò khi anh đến Thái Nguyên thăm thầy giáo của mình...
Chúng ta đều nhớ thầy Tuấn sang Trung Quốc từ 1951, những ngày đầu thành lập Khu học xá Trung ương, học trường Sư phạm và sau đó cùng với các thầy cô khác từ tháng 9 năm 1953 đến Dục tài Học hiệu Lư Sơn Giang Tây dạy dỗ chúng mình. Tháng 2 năm 1957, khi bọn mình xuống Khu học xá Nam Ninh để học cấp 3 thì thầy cũng về nước. Thầy công tác liên tục trong ngành giáo dục, lãnh đạo nhiều trường trong tỉnh Thái Nguyên; trước khi nghỉ hưu, thầy công tác ở trường Cán bộ Quản lý tỉnh Thái Nguyên.
Thầy Tuấn đã được trao tặng nhiều huân chương, huy chương, và các danh hiệu khác do có công lao xây dựng và phát triển ngành giáo dục. Gia đình thầy cô và 4 người con, một trai, ba gái đều là nhà giáo với nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thái Nguyên.
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét