NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

31. NHẬT LỆ - BÀI CHỌN IN SÁCH .

Ký ức tuổi thơ
Nhật Lệ
Các anh chị Lư Sơn-Quế Lâm (LS-QL) thân mến!
Các bạn (anh chị) khối lớp 4 thân mến!
Các bạn lớp 4 của tôi thân mến!
Tôi là Hoàng Thị Nhật Lệ, xin gửi tới các anh chị, các bạn tình thương yêu của người anh em cùng gia đình LS-QL.

Tôi cảm ơn những ai còn nhớ tới tôi và chân thành xin mọi người tha lỗi cho tôi nếu tôi không còn nhớ đến một số anh chị và các bạn.
Thực ra, tôi không phải người vô tình mà do ông trời cho tôi một bộ nhớ thật tồi tệ.
Thời gian ở LS-QL chỉ không đầy một năm nên tôi hoàn toàn không nhớ những chuyện nghiêm túc mà chỉ nhớ những chuyện động trời, phá phách và ba gai của tuổi thơ.
Khi đọc vài kí ức về tuổi thơ của tôi xin các “cụ” hãy quay trở về thời kỳ cuối 1953 - đầu 1954, các cụ sẽ bắt gặp Nhật Lệ.

Làm kem
Tới Lô Sơn (Lư Sơn) chúng tôi được bố trí mấy chị em ở một phòng. Tôi không còn nhớ mình ở với những ai. Chúng tôi được nhận quà của Bác Mao gồm: thau, ca tráng men, bàn chải, khăn mặt, xà phòng… đường, bánh kẹo…
Phòng nào cũng có 2 lớp cửa kính vì rất lạnh.
Tôi và mấy bạn gái nảy ra “sáng kiến” – làm đá ngọt. Chúng tôi pha nước đường vào ca và đặt vào khoang trống giữa 2 lớp cửa kính.
Ngày hôm sau chúng tôi đóng cửa phòng và sung sướng thưởng thức khi mút những cục đá ngọt. (Không ngờ sau này mới hiểu đó cũng là một dạng kem vì hồi đó chưa biết từ KEM).

Trò chơi nở phổi
Những cao thủ nổi tiếng của các “phái” trên sân chơi U-MỌI:
- Chị Phương Lan
- Chị Thanh Hương
- Chị Minh Tuệ
- Chị Bè
- Bạn Thúy Liễu
- Bạn Muội
- Bạn Tuyết Nga
- Bạn Nhật Lệ
- Cùng một số đệ tử khác.

Trên sân chơi mọi người bốc thăm để chia làm 2 đội (phe). Tôi vào loại khỏe nhưng vẫn là hạng bét so với các chị có đẳng cấp. Cứ mỗi lần các cao thủ đối phương sang giải cứu tù binh, mặc dù được canh giữ cẩn thận, nhưng chúng tôi vẫn hồi hộp và run khi thấy “đặc phái viên” của đối phương đứng im trong giây lát, hít đầy một lồng ngực và bắt đầu phi người, phóng thẳng vào “trại giam” tù binh. Chúng tôi ào ra ôm chặt tên đặc công. Có lần “nó” bứt ra và giải cứu được tù binh, nhưng cũng có lần nó bị “sức mạnh tổng hợp” của đối phương ghì chặt đến “tắc thở”.

Bánh bao
Buổi sáng chúng tôi được ăn cháo với ca la thầu, củ hành muối hoặc sữa đậu nành với quẩy. Trưa và chiều chúng tôi được ăn cơm hoặc bánh bao.
Cũng chẳng biết ai qui định nhưng tôi nhớ “qui ước" - cứ một bát cơm tương đương 2 bánh bao. Hồi đó tôi mới 12 tuổi nhưng ăn rất khỏe, mỗi bữa tôi ăn 3 bát cơm. Nếu qui ra, tôi được ăn 6 bánh bao (chắc bánh bao hồi đó nhỏ chứ không như bánh bao bây giờ ở Sài Gòn, ăn 6 cái chắc chết). Tôi chỉ mong đến bữa cơm để được xực 6 bánh bao.

Tô mì
Theo qui định của nhà trường thì “em” nào ốm (bệnh) được ăn một tô mì thay cơm.
Hồi đó tôi khỏe lắm (chẳng bị ốm bao giờ) tôi thèm mì như các quí ông thèm “phở” bây giờ.
Tôi và bạn Tuyết Nga mong bị ốm để được báo ăn mì mà không ốm cho.
Một hôm hai đứa bàn nhau, báo ốm để được ăn mì (mới 12 tuổi mà đã có gen nói dối - hư quá).
Chao ôi, mì ngon làm sao!
Nhưng hành động phiêu lưu của hai đứa đành phải chấm dứt, vì nếu ốm tiếp thì buộc phải lên gặp bác sĩ.
Sợ ý đồ xấu xa bị bại lộ nên chúng tôi đành “chai chen” mì!

Sâu cước và bọ ngựa
Về Quế Lâm không được bao lâu nhưng những kỷ niệm vui thú của tuổi thơ cứ đeo bám tôi cả sau khi rời Quế Lâm.
Tôi không nhớ hồi đó tôi học hành kiểu gì mà chỉ nhớ các kiểu “ăn chơi” của nhóm “lợi ích thứ 3” (nhất quỉ, nhì ma…).
Tôi nhớ: ngoài giờ học, suốt ngày đầu trần đội nắng đi bắt bọ ngựa chơi. Nhưng khoái nhất là bắt sâu cước để dọa mấy chị lớp lớn. Mỗi lần thấy chị nào rú lên nhảy tưng tưng vì sợ sâu là chúng tôi có một màn cười khoái chí.
Bọn tôi có phong trào “chăn bọ ngựa”. Chúng tôi bắt rất nhiều bọ ngựa rồi nuôi thả trong màn (mùng). Chúng không hề cắn ai. Hằng ngày, đến bữa ăn, chúng tôi nhặt những miếng thịt kho có cả mỡ, gói mang về cho bọ ngựa. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao bọ ngựa lại thích ăn thịt.
Trước lúc rời Quế Lâm tôi bàn giao “trang trại” bọ ngựa cho các bạn nữ của mình ở lại trường.

Những ngày đầu sống ở nước Nga tôi ít nhớ về gia đình mà chỉ nhớ và luyến tiếc bầy bọ ngựa được thả trong màn của tôi.

Bắt cá lia thia và học bạ
Sau khi chuyển về Quế Lâm tôi được xếp học lớp 4. Lớp 4 của tôi rất đông. Chắc chắn là có nhiều bạn trai nghịch ngợm và cũng có những bạn trai trông khôi ngô dễ thương, nhưng hồi đó tôi còn “ngủ thì” (chưa dậy) nên không một bạn trai nào lọt vào “mắt nai” của tôi. Ngược lại, tôi rất thích ngắm và nhớ mãi những cô giáo, các chị lớn, các bạn gái xinh đẹp, dịu dàng và nghịch ngợm như: cô Cơ, chị Thiên Hương… Phụng Mỹ, Thùy, Trình, Thanh Tú, Thục Anh, Ngân, Phương… Hồng Liên, Bích Hảo, Ngô Hà…
Chúng tôi hay chơi trận giả, u mọi, đánh khăng…
Một hôm mấy bạn nữ lớp tôi rủ nhau đi bắt cá lia thia ở ruộng (do Tuyết Nga và tôi đầu têu).
Chúng tôi bỏ học phơi nắng suốt buổi. Cá bắt được bỏ vào ca bác Mao mang về. Về đến nhà bị thầy Kính chủ nhiệm la và kiểm điểm. Thầy tuyên bố sẽ ghi vào học bạ.
Chiều hôm đó Thanh Tú buồn rầu rủ tôi ra ngồi trên một mô đất gần sân trường. Chưa nói được gì bạn ấy đã sụt sịt... khóc. Hồi đó Thanh Tú là một cô bé xinh xắn, có đôi mắt to, hàng lông mi dài và cong. Tôi an ủi: Khóc làm gì, tớ cũng bị ghi học bạ như bạn. Từ nay không bỏ học đi bắt cá là được chứ gì? Nhưng cô nàng vẫn tiếp tục sụt sùi.
Thực ra tôi chả hiểu học bạ quan trọng như thế nào, nếu hiểu chắc tôi cũng khóc như Thanh Tú rồi!
Những hình ảnh khó quên
Mặc dù có trái tim lạnh và khô khan tôi vẫn phải ghi nhận LS-QL là cái nôi thứ hai của đời mình.
- Hình ảnh ông già quét tuyết mỗi sáng sớm để cho bọn trẻ chúng tôi đi lại, vui chơi khỏi bị ngã.
- Hình ảnh những bà cụ già Trung Hoa với hai bàn chân nhỏ xíu, vì phải bó từ bé theo tập quán lâu đời của dân tộc Hán, chậm chạp lần theo con dốc mòn phủ đầy tuyết đến trường chúng tôi ở Lư Sơn để nhặt thức ăn chúng tôi ăn thừa...
Tôi biết đâu vào thời điểm đó nước CHND Trung Hòa mới thành lập, đời sống người dân vô cùng thiếu thốn, thậm chí ở nhiều vùng quê nghèo vẫn còn người chết đói. Vậy mà họ vẫn nhường cơm sẻ áo cho con em Việt Nam.
- Rồi những chú giải phóng quân Trung Quốc đêm hôm tuần tra canh gác trong bão tuyết bảo vệ sự bình yên và giấc ngủ của chúng tôi.
Những hình ảnh ấy mãi mãi còn in sâu trong ký ức chúng tôi. Ngày nay, dù tình hình chính trị giữa hai nước Việt - Trung đã trải qua nhiều bước thăng trầm, thế nhưng ký ức đẹp về nhân dân Trung Hoa đầy lòng nhân ái vẫn làm tôi ấm lòng...
* * * * *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét