NHÂN VĂN-TRÍ TUỆ-HÀI HƯỚC

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

25. THẦY GIÁO NGUYỄN ĐỨC CHÍNH - BÀI CHỌN IN SÁCH

BĐH – Anh Nguyễn Đức Chính, tác giả hồi ký dưới đây, nguyên Giáo viên dậy Lớp 3 ngay từ những ngày đầu ở Lư Sơn. Khi trường giải thể anh Chính chuyển sang công tác báo chí. Một thời gian dài anh là Phó TBT tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, anh Nguyễn Đức Chính đã đi B trong đội quân Nhiếp ảnh TTXGP. Anh được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương do có công đóng góp cho ngành Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây ghi lại cảm xúc của "thầy giáo Chính" khi cùng một nhóm cựu HS trường ta về thăm lại trường cũ Lư Sơn và Quế Lâm vào năm 2001. 
*********
Về thăm lại trường xưa: Lư Sơn, Quế Lâm
Nguyễn Đức Chính 
(Cựu Giáo viên lớp 3)
Lư Sơn, Quế Lâm có một vị trí sâu sắc trong ký ức của chúng ta, bởi vì nó gắn bó với tuổi niên thiếu đầy lãng mạn. Lại là một môi trường được sống, được sư phạm và giáo dục kiểu mẫu có một không hai. Tôi là một cựu giáo viên ở đây. Tôi thường tự nói: mình là người ăn theo các em học sinh. Chính học sinh là đối tượng mà Bác Hồ quan tâm giáo dục, còn mình là người được chọn vào số người phục vụ các em. Suốt cuộc đời mình, tôi noi theo một tinh thần: Tinh thần Quế Lâm! Đồng nghĩa với làm người tử tế, cần mẫn, làm việc có ích.
Tháng 11 năm 2001, tôi cũng là “người ăn theo” chuyến trở về thăm trường xưa do Ban Liên lạc cựu học sinh Trường ở TP HCM tổ chức. 16 thành viên, trong đó có 3 cặp vợ chồng (2 nàng dâu của Trường) và 2 cựu giáo viên là cô Cơ và tôi. Tôi được cử làm Trưởng đoàn. Đi đường bộ, xe ô tô và tàu hỏa. Tàu hỏa giường tầng, tôi tầng trên, cô Cơ tầng dưới. Các cựu học sinh hát chế bài Đoàn Kết “Thầy Chính đi đằng trước, cô Cơ đi đằng sau, một lũ lau nhau vừa khóc vừa mếu” và … “Thầy Chính nằm trên, cô Cơ nằm dưới”. Ôi, “quỷ ma cái tính học trò” dẫu tất cả đã đều là ông nội, bà ngoại!
Về Lư Sơn  
“Lư Sơn kỳ tú giáp thiên hạ sơn”. Đã 50 năm rồi. Tháng 11, đầu Đông sơ Hàn. Xe càng leo cao, hai bên đường cây phong càng chuyển lá từ vàng sang đỏ rực trong nắng hanh. Hấp dẫn các ống kính nhiếp ảnh. Lên tới phố cổ, hỏi thăm “Nhà 6 tầng”, người địa phương trả lời “Lư Sơn chỉ có một tòa nhà 6 tầng”.
Chúng tôi đã đứng trước tòa nhà … Trường của chúng mình chẳng khác gì xưa. Những bậc xây cao tít lên ngôi nhà dựng sâu vào vách núi. Hai bên hông tòa nhà còn nguyên vách đất dựng đứng mà hồi đó “chiến sĩ hồng quân" tí hon Lê Quang Hải choàng vải mưa vào người nhảy dù từ tầng ba, không ngờ gió núi hút lên tầng 5, may mà vớ được cửa sổ, làm cả trường xanh mặt! 
Bây giờ, tòa nhà làm khách sạn quốc tế. Giám đốc tiếp đoàn tại phòng khách. Chúng tôi kể chuyện ngôi trường cách nay 50 năm và Trần Kháng Chiến (thành viên trong Đoàn) có sáng kiến chuẩn bị từ nhà, tặng họ bức tranh sơn mài cảnh làng quê nước ta. Ông ta cho biết: giá phòng ở đây 250 tệ/ngày, nhưng cựu cán bộ-học sinh đến nghỉ thì sẽ bớt. Vào tham quan các phòng, có thang máy lên xuống và nội thất chuẩn.
Bên cạnh, nhà hội trường nay là Đại lễ đường. Và nhà hiệu bộ thời đó nay là Tiểu lễ đường. Cả hai lễ đường này nhà nước TQ xếp vào một trong 10 quốc bảo của nước Trung Hoa. Nơi TW ĐCS TQ đã họp mấy kỳ đại hội toàn quốc.
Nhiệt kế chỉ 6 độ C, năm nay vào Đông muộn nên phố thị chưa có tuyết và cây cối mới đang độ nhuộm lá vàng. Nên nhớ, chúng ta đang ở độ cao 1.500 mét so với mặt biển.
Đứng ở sảnh nhà 6 tầng nhìn thẳng xuống, đường qua chiếc cầu đá nhỏ, nơi họa sĩ - giáo viên Lê Nguyên Lợi vẽ bức tranh Ông già quét tuyết (bức tranh đã nằm ở bảo tàng mỹ thuật nước Đức), dốc lên tay phải vẫn còn mấy cây dẻ mà các cô gái của chúng ta ngày đó hay ra nhặt hột rụng. Dãy nhà nữ 3 tầng nay cũng làm khách sạn.
Đến đây mới được biết: phía dốc tay trái (đối diện với nhà nữ) là khách sạn 2 tầng, nơi đây năm 1959 theo lời mời của TW ĐCS TQ Bác Hồ kính yêu đã từng nghỉ nhân dịp Bác sang dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày quốc khánh nước CHND TH. Bác viết ba đại tự Lư Sơn Hảo được các bạn phóng to, lấy làm tên khách sạn.
Đoàn đi tham quan xung quanh, vào hang động Tiền Nhân, ngắm thiên nhiên tuyệt đẹp.
Hôm sau, trở về, dừng lại tham quan thành phố Giang Tây. Cổ tự Hoàng hạc lâu lộng lẫy vàng son; các đầu đao cong cánh hạc, chờ đợi mà hạc xưa (theo cổ tích) bay đi chưa trở lại. Đứng trên lầu nhìn xuống dòng sông Trường Giang mênh mang, đã có cây cẩu dây văng hai nhịp. Hai đầu cầu có tượng Mèo bằng đá, con trắng con đen.
Hạ Quế Lâm 
“Quế Lâm á thiên hạ phong cảnh”. Các hàng cây quế bên đường cũng như ở Trường mình đang mùa ra hoa. Hoa quế trắng, trùm nhỏ tỏa hương thơm ngát không gian. 
Có vài cô nhân viên cũ của trường ra ga Quế Lâm Bắc đón Đoàn. Tay bắt mặt mừng thật nồng nhiệt nguyên tình cảm xưa kia. 
Nghỉ ở khách sạn theo lịch trình của hãng du lịch đã thống nhất với Đoàn. Hôm sau, vào thăm Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đặt tại Quế Lâm. Trường này quản lý trường cũ của chúng ta, nên có danh nghĩa tiếp các đoàn giáo viên-học sinh VN cũ sang tham quan. Họ đón tiếp trọng thị. Đang có hơn 200 du học sinh Việt Nam theo học tại đây. Trường hy vọng nhận nhiều con cháu chúng ta sang học.
Xe vào Trường. Đường xe qua cầu đúc Giải Phóng trên sông Li. 
Cổng cũ đã khóa, họ mở đường mới qua hồ “thủy quân Hồ Sĩ Tá” (cái hồ mà anh chàng này chèo bè ra giữa bị đuối, không cấp cứu kịp thì tử vong). Xe dừng lại nơi bãi bóng đá, lúc này nhiều học sinh đang vui chơi chỗ bóng đá, bóng chuyền, kéo co, nhảy dây. Hiện nay có ba trường cát cứ. Thiếu một chỉ huy chung, nên khắp nơi nhếch nhác, sập sệ. Nhà hiệu bộ cũ bỏ hoang. Ao hiệu bộ nước đọng, rác rến. Hội trường lớn, nơi chúng ta thường họp toàn trường, xem phim, biểu diễn văn nghệ, nay bị rào.
Thăm lại các lớp học cũ, chẳng có gì thay đổi. Ngồi xuống các bàn ghế cũ, cô giáo Cơ đứng cạnh bảng đen. Ai cũng đua nhau kể chuyện ngày ấy. Trò Ngô Thanh Hà chỉ cái bậc cửa sổ nhà nữ mà buổi trưa thường leo qua, trốn cô đi chơi. Trần Kháng Chiến chỉ dãy nhà trệt, bây giờ trông thấp lè tè, nơi trò vỡ lòng và lớp 1 ở. Nguyễn Hoàng Bích đứng nhờ chụp kỷ niệm trước ngôi nhà hai tầng: 4 năm ở đấy!
Mọi người ăn bữa cơm trưa tiêu chuẩn tập thể với học sinh ngày nay. Đám trẻ nhìn các bậc chú bác Việt Nam lạ lẫm.
Thật ra, mọi người ao ước ở lại đây vài ngày mới thỏa.
Các ngày sau, đi thăm Dương Sóc (thấy những người đàn ông ngồi bán hàng vặt, có chôm chôm Việt Nam). Thăm cây đa cổ thụ nghìn năm tuổi và làng quê ở gần (nông dân sống, làm ruộng nghèo và lạc hậu). Thăm Thất Tinh Nham, dãy hang trong lòng núi, TT Bill Clinton đã đến thăm trước đây mấy năm. Thuê đò chở dọc sông Li, cũng là dòng sông ký ức của chúng ta. Thượng nguồn là dãy núi đá xanh trập trùng hình ảnh của Hạ Long cạn, trên mặt nước các cặp vợ chồng ăn mặc trang phục Choang chài lưới, tạo dáng cho khách du ngoạn chụp ảnh. Thăm trụ sở Bát Lộ quân số 96 đường Trung Sơn Bắc TP Quế Lâm, nơi có những di tích Bác chúng ta làm trụ sở năm 1938 với quân hàm Thiếu tá Hồ Quang bên cạnh các đồng chí Chu Đức, Diệp Kiếm Anh. Rồi vào làng cổ Lộ Mạc, nơi hằng đêm Bác về nghỉ, dạy nông dân làm du kích chiến tranh.
Trên tàu hỏa trở về. Các bạn gái trong đoàn múa trích đoạn minh họa Duy Ngô Nhĩ, Ương ca, …rồi tất cả vừa vỗ tay vừa hát Đông Phương hồng, Kháng Mỹ viện Triều, Trung Hoa tổ quốc bao la, Tân Cương hảo, … khiến khách trên tàu và người hỏa xa ngạc nhiên đến xem. Họ lạ lùng với những lời ca điệu múa 50 năm trước thời mới ra đời nước Trung Hoa mới (bây giờ chẳng ai còn hát): Những người từ cổ tích bước ra! Có một người đàn ông đến, khoe thời VN kháng Mỹ, sang làm đường ở Việt Bắc. Anh ta còn nhớ bài hát Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng …
Tóm lại: chuyến về nguồn làm cho chúng ta trẻ lại. 

************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét