TẢN MẠN… MỘT LỤC THẬP HOA GIÁP
Trần Xuân Hoài
1955 cuối hè, đã hai năm trên đất Trung Hoa, còn đất nước mình thì đã hòa bình một năm rồi. Hoa trúc đào tím ngát quanh sân trường Quế Lâm. Cả lớp đang mải mê chơi đùa bỗng thấy chị Quế đến sát bên cạnh, đặt tay nhè nhẹ lên vai “Hoài ra đây chị bảo”.
Giật mình líu ríu đi theo chị. Vào nhà, chị nắm chặt vai và rưng rưng ngẹn ngào: “Hoài… Em… em bình tĩnh… Mẹ em... giặc Pháp đã…” Chị chưa nói hết lời, nhìn tay chị run rẩy cầm trang thư mực tím… tôi bỗng khuỵu xuống, gục đầu vào lòng chị ôm chặt và òa lên khóc. Không biết tôi đã khóc bao nhiêu lâu… Khi nhìn lên thấy chị Quế mắt đỏ hoe, các bạn đã lặng lẽ kéo vào tự lúc nào đang đứng, ngồi vòng quanh, nhiều bạn chưa lau kịp nước mắt. Thế là tôi đã mất mẹ rồi… Mẹ bị bom Pháp giết hại chỉ một tháng trước khi ngừng bắn… hơn một năm sau tôi mới được biết…
Trời đã tối, vắng vẻ, im lặng, bạn Nguyệt Ánh và Chị Diệu Thu (lớp 6) vẫn ngồi bên cạnh, vẫn còn khóc. Nguyệt Ánh và Diệu Thu là những người cùng cảnh ngộ. Mấy tháng trước đây họ cũng đã đau đớn nhận tin tương tự như tôi bây giờ. Từ đó chúng tôi ba người thành nhóm những đứa con mất mẹ, thường an ủi nhau. Phút chốc bỗng mồ côi vì chiến tranh trong thời bình, gia đình thất tán, Quế Lâm giờ với chúng tôi là gia đình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bốn năm trước, khi tôi lên 10, rời xa nhà đi theo Thiếu sinh quân (TSQ) khu 4, bóng mẹ chạy theo đầu ngõ là hình ảnh cuối cùng mà mãi đến bạc đầu tôi vẫn không quên được. Trong quyển sổ nhỏ, giờ tôi còn giữ, mẹ viết dặn tôi “khi còn mồ hôi, đang nóng, con đừng có tắm”. Mãi mãi con không bao giờ còn có thể đưa cho mẹ xem những điều con ghi chép trên quyển sổ nhỏ này nữa!
Nhà tôi ở trong một thung lũng miền núi, nằm trên dãy Trường Sơn, nơi vốn là cứ địa Hương Khê của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Tôi cũng ít biết về quê vì vốn cả nhà ở Đà Lạt trước năm 1945. Tôi chỉ được nghe kể cha tôi là chủ tịch UBCM tỉnh Lâm Viên và thành phố Đà Lạt. Khi Pháp chiếm Nam bộ rồi đánh ra miền Trung - Tây Nguyên, cha tôi ở lại chiến đấu, lùi về khu 5, làm Chủ tịch tỉnh Bình Định còn mấy mẹ con thì chạy về quê nội cuối năm 1946. Tôi không nhớ gì về những ngày chạy giặc này, vì còn bé quá. Chỉ còn nhớ là về sống với ông bà nội, bên dòng sông Ngàn Sâu. Ông nội là một nhà nho nổi tiếng, không chịu ra làm quan, chỉ dạy học chữ nho rồi chữ quốc ngữ và làm thuốc chữa bệnh. Vì cụ tổ là nghĩa quân Phan Đình Phùng, nên nhà cửa cũ bị đốt sạch. Ông nội chỉ còn giữ được ít sách, một cái cân thuốc bắc cán ngà voi và một bàn dao thái thuốc đã bị cháy xém. Ông dặn đây là gia bảo truyền đời. Ông nội tôi mù lòa nên ông luôn giữ tôi bên cạnh để sai bảo và dạy dỗ. Ai cũng tin rằng tôi là truyền nhân của ông. Vì thế mà tôi học chữ nho truyền khẩu trước khi biết chữ quốc ngữ, và ngay cả học đọc, viết quốc ngữ cũng do ông dạy ở nhà thôi. Lớp 2, 3 gì đó mới ra trường làng học. Tuy là miền núi nhưng không quá heo hút, nguyên do vì để tránh nhiều sông ngòi ven biển, đường sắt Vinh - Đồng Hới phải rẽ vào núi, chạy qua làng tôi. Mẹ tôi nuôi tằm dệt lụa nuôi con. Đến giờ, khi đã đi khắp thế giới, tôi vẫn khâm phục và nghĩ mãi không ra, sao mà một người thợ dệt thủ công nghèo như mẹ tôi, trong lúc gian khó như vậy, vẫn mời thầy dạy anh chị em tôi học nhạc, họa, ngoại ngữ từ tấm bé, không kém các cháu tôi bây giờ. Tôi nhớ mãi ở làng khi đó, chúng tôi cứ chạy theo một đứa bạn “nhà giàu” để xin cho được thử xỏ chân một tí vào đôi dép râu của nó, đó là đôi dép duy nhất của làng (cậu bạn này cũng bị bom chết cùng đợt với mẹ tôi). Trời miền núi rét căm căm, chỉ có cách đốt lửa sưởi, thú vui là đếm hoa lửa trên đùi (tĩnh mạch gặp nóng nổi hằn vết tím) xem đứa nào nhiều hơn. Cho đến khi vào TSQ tôi vẫn chưa biết quần dài là gì. Giờ nghĩ lại thấy tài thật! Một thú vui nữa là ngày ngày trèo lên chạn (gác gỗ) ngắm kho quý của ông nội, là những kệ chất đầy sách chữ nho, tôi lục lọi và ước mơ một ngày nào đó đọc hiểu được chúng. Tôi mang những ước mơ đó sang Trung Quốc và cố học, cố học... luôn mong có ngày trở về để thực hiện ước mơ đọc được sách của ông tôi. Thế cho nên, ngay từ ngày đầu sang Trung Quốc, tôi đã rất thích học tiếng Trung và vô cùng ngạc nhiên thấy tiếng Trung khác xa chữ nho mà tôi đã được ông dạy. Cũng cùng sở thích, Lê Thành Long và tôi rủ nhau chúi mũi vào tự học thêm. Tôi bắt chước Long, cứ lấy quyển “Tứ giác tự điển” ra học từng chữ thuộc lòng và ghi đầy vào từ điển. Hết lớp sáu, tôi và Long đã có thể đọc và dịch sách tranh. Tôi đã chạy vòng quanh sân trường mãi, chỉ muốn hét lên, sung sướng suýt khóc vì lần đầu tiên đọc hiểu và rung cảm với chuyện ngắn Pháp “Thảo nguyên” dịch ra tiếng Trung Quốc. Lê Thành Long giờ đã về cõi vĩnh hằng. Cảm thương cho số mệnh một người bạn thông minh, ham học, mà như Nguyên Hân đã ghé vào tai tôi thì thầm khi đưa tang bạn “Long đúng là chưa được hưởng một tí nào của cuộc đời! Chúng mình còn may hơn Hoài nhỉ”. Long đã phát bệnh thần kinh năm hơn 20 tuổi, phải bỏ học ở Praha trở về, và lay lắt sống cuộc đời nửa điên, nửa tỉnh suốt đoạn đời còn lại. Khi tỉnh táo, Long kể với tôi, tớ đã viết được hơn ngàn trang về chuyện của chúng mình, chuyện các bạn bè Quế Lâm. Không biết bây giờ có còn không hay bạn đã xé đi lúc không còn tỉnh táo. Âu cũng là số mệnh!
1953 mùa xuân, nhóm Thiếu sinh quân bé biên chế vào đoàn 10 sang Trung Quốc. Đại đội trưởng là Trần Toản, là tên Bác Hồ đặt cho Nguyễn Ổi, thiếu nhi, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ổi chiến đấu ở Huế, lúc sang Quế Lâm Ổi học lớp 1, tuy đã 15, 16 tuổi, giờ không biết Ổi ở đâu?... Đại đội phó là Trần Xuân Thạc (K6 đã mất). Trung đội trưởng của tôi là chị Diệu Thu (K6), tiểu đội trưởng là Khoa Phi. Còn các bạn Tư Thành, Khải (Cóc)… cùng trung, tiểu đội giờ không biết ở đâu. Là đoàn hành quân xa nhất, hơn 6 tháng trời, từ miền núi Nghệ Tĩnh đến được biên giới Bằng Tường, quần áo rách nát phải nằm chờ bạn cho quần áo mới. Hoàng hôn đầu tiên trên đất Trung Hoa vừa buông xuống, tất cả đoàn bỗng reo ầm cả lên, hóa ra là điện bật sáng. Cả đời bây giờ chúng tôi mới biết thế nào là điện. Đến Nam Xương, được đón vào nhà khách, cả đoàn xúng xính trong bộ quần áo vệ sinh, lại được xem phim lần đầu trong đời và ăn ngon chưa từng có. Chỉ hiềm mỗi nỗi, vào nhà vệ sinh mà không sao trèo lên đi tiểu đươc, cứ hỏi nhau sao cái bồn tiểu lại cao thế nhỉ. Sau này mới biết đó là cái cái chậu rửa mặt (lavabo)! Là đoàn cuối cùng đến được Lư Sơn. Đến hôm trước thì hôm sau khai giảng được xếp vào 5A. Trời đã sang thu, và hôm Trung thu hay Quốc khánh Trung Quốc 1-10, có họp liên hoan ở hội trường. Nhớ rõ như vậy, vì bài văn đầu tiên có đề là tả buổi liên hoan. Chuyện này thì không thể nhầm dù đã 60 năm. Vì sau khi nộp bài, đến giờ thể dục, chạy, nhảy... tôi nghịch ngợm, bắt chước các chú Trung Quốc và các anh lớn cầm sào tập nhảy chơi, không ngờ bị ngã gãy tay, phải đưa đi chụp bó bột rồi về nằm bệnh xá ở nhà 2 (nhà nữ). Cùng phòng bệnh lúc đó có hai bạn nữ là Thu Giang và một người nữa, quên mất tên rồi. Người thứ ba là Quang, con ông Xuphanuvong, chữa bệnh đái dầm. Thu Giang – nay là Nữ sĩ Song Thu, thì lúc đó đã rất nổi tiếng với bức ảnh chụp với Bác Hồ. Hai bệnh nhân “VIP” này thì làm sao mà quên được. Khi được về học lại, mới biết bài văn của mình được khen, đọc làm mẫu cho cả lớp. Kỷ niệm gãy tay và được khen đầu đời như thế làm sao mà không nhớ! Đó là chuyện chỉ mình tôi nhớ. Còn chuyện bạn Trần Lương 5B chế ra xe đạp gỗ, đạp khắp nhà A, cả bọn chạy theo reo hò ầm ĩ thì không ai trong hội LSQL là không nhớ. Trần Lương ơi, bạn tài hoa là vậy mà sao lận đận suốt đời, cuối cùng phải buông xuôi cho cát bụi. Trần Lương về làm việc với tôi năm 1987 - 1988, sau bao năm lận đận, kiện cáo. Những mong tạo cho bạn một chỗ đứng để sáng tạo mà cuối cùng vẫn không được toại nguyện. Tôi đang ở Mỹ hè năm 2004 thì nghe tin Lương bị bắt. Trước đó, đã có dấu hiệu công an hỏi thăm cơ quan về chuyện kiện cáo, cãi nhau với lãnh đạo nhà nước. Tôi đã báo cho Lương, nhưng Lương gạt đi bảo, mày đừng có dọa tao. Về nước mới ngã người, thấy nói là bắt được mấy bao tải tài liệu... Còn báo chí bên thế lực thù địch thì gọi Lương là tù nhân lương tâm. Trời ơi, sao lại dựng chuyện như vậy, làm gì có chuyện đó. Tôi hỏi PK, tại sao lại như vậy, phản động nguy hiểm thì tớ còn nguy hiểm hơn chứ! Tôi nhớ PK nói đại ý, thật vớ vẩn quá, bắt thế là phong thánh cho nó rồi, nhưng tao cũng đành chịu. Hoàng Thanh Sĩ (dân Quế Lâm, K2), nguyên thẩm phán Hà nội, tự nguyện nhận bào chữa cho Lương. Tòa xử mật, chỉ có vợ Lương và Sĩ được dự thôi. Nghe nói là Lương khẳng khái tuyên bố là không có tội dù là tội nhỏ nhất. Ai cũng biết, chỉ cần nhận một tí gì đó thôi, thì tha hoặc xử án treo ngay. Tòa phải dừng 3 ngày, cuối cùng án bỏ túi được tuyên: 3 năm giam. Mấy tháng sau, mấy đứa con Lương tìm tôi gấp đến bệnh viện Việt Đức, vì Lương muốn bất kể thế nào cũng phải gặp Hoài. Nắm tay, Lương run run, nói trong nước mắt, gặp được Hoài là mãn nguyện rồi… “Lương ơi, sao cậu lại làm điều tuyệt vọng thế, phải sống đã mới chứng minh được chân lý chứ”. Lương thều thào “Có phải là người nữa đâu… Ai coi mình là con người?”. Nắm chặt tay Lương tôi bảo, cậu phải hứa với mình là cậu phải sống… Chia tay Lương, linh tính điều chẳng lành, tôi bảo với PK và NH lưu ý gấp, thế nào nó cũng tự tử lần nữa. Hỡi ôi, mấy tuần sau, chúng tôi đã phải chia tay Lương vĩnh viễn. Thức một đêm ròng cân nhắc từng chữ để viết điếu văn cho Lương và tự hứa là sẽ đọc với hết nỗi lòng thương tiếc người bạn tài hoa. Tiếc thay, và cũng thông cảm thôi, các bạn Quế Lâm đã không cho tôi được đọc, lý do “vì cậu đang còn tại chức”, giao cho Nguyên Hân đọc và những lời nhạy cảm dù là tự đáy lòng, cũng được các bạn sửa lại cho nhẹ bớt. Tôi vốn không thông thạo chuyện này, một bạn Quế Lâm đã phải nhắc tôi: “Mày không nhìn thấy xung quanh đầy cá chìm à”. Lương ơi, chúng mình hèn nhát và bất lực như người đời, chỉ biết ngậm ngùi mà đọc thơ cụ Nguyễn Công Trứ để cầu cho vong linh người bạn tài hoa được siêu thoát:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Nhắc đến thông reo lại nhớ đến những cây thông, cây tùng đẹp đến nao lòng quanh núi Lư Sơn. Mùa đông đến lá vẫn xanh, phủ đầy tuyết trắng, kỳ ảo lạ lùng. Chúng mình hào hứng lần đầu trong đời ngụp lặn trong tuyết cóng. Nhưng rồi đêm đến thì khóc như ri, vì chân tay ai cũng cước, nẻ, chảy máu. Các cô chú Trung Quốc lắc đầu, không dỗ được. Thế là chúng mình lại lên tàu về nam, về Quế Lâm bên dòng Ly Giang. Ở đó các bạn Quế Lâm cũ từ Nam Ninh lên, như hội Cát Hồ, Chu Cường, Vũ Hạo, Công Kỳ… nhập lại với nhau và thành hội Lư Sơn-Quế Lâm ngày nay. Sau đó, lẻ tẻ có hội Duy Tân, Minh Đức… chậm chân từ bên nước sang muộn. Lại thêm “bọn Sài Gòn” tập kết như hội Nguyễn Hoa, Kim Tuyên (K6)… cũng nhập trường. Ngày ấy, anh Quý thường hay đọc sách tiếng Pháp rồi kể chuyện cho các em nghe, chuyện Gavros trong Những người khốn khổ làm tôi còn nhớ mãi. Tôi mê sách quá, mê những buổi dịch kể chuyện của anh Quý, chỉ mơ ước làm sao học được tiếng Pháp để đọc sách như anh Quý. May quá, là bọn Sài Gòn như Nguyễn Hoa cũng biết ít nhiều tiếng Pháp. Tôi hâm mộ lắm, xin đổi công giặt quần áo cho Nguyễn Hoa để nó dạy mình tiếng Pháp. Nguyễn Hoa còn có cả quyển từ điển Pháp Việt, tôi phải lạy lục nó cho mượn để chép lại học, đến bây giờ quyển từ điển chép tay đó vẫn còn, nhưng Nguyễn Hoa nay đã thành người thiên cổ. Cứ hì hục học như thế trốn cả giờ tập thể, đến nỗi bị chị Quế phê bình là thiếu chan hòa với các bạn. Về sau lại được khen là có tiến bộ, ghi cả vào học bạ. Cứ tưởng tiếng Pháp như tiếng Trung Quốc, học chữ rồi ghép lại thành câu. Có biết đâu nó có chia động từ, danh từ có đuôi, có giống, có cách… cho nên học thuộc lòng hàng mấy nghìn từ mà đọc sách không tra ra được. Sau này lên lớp 7, khi đó có sách dạy tiếng Nga của Vân Lăng từ bên nước gửi sang, bèn rủ Như Thanh ngày ngày trốn ngủ trưa để học, mới biết là tiếng châu Âu có ngữ pháp khác tiếng Tàu, tiếng Việt.
Cũng vì cái tội học ngoại ngữ linh tinh mà suýt gây nên họa. Số là khi về học trường Chu Văn An lại dám cãi nhau với thầy dạy tiếng Trung, làm thầy tức điên lên đập bàn mắng, cái thứ tiếng Trung Hoa mà các trò học ở bên Trung Quốc là đồ vất đi! Chuyện này Hữu Lý, ngồi cùng bàn, vẫn còn hay nhắc lại. Lần ấy tưởng sẽ bị đuổi học mất. Học hết một học kỳ lớp 8, tôi cùng bọn Huy Châu, Duy Tân, Thành Long, Nguyễn Khinh… bỏ sang học trường Nguyễn Gia Thiều, trường vừa làm vừa học đầu tiên ở Hà Nội. Gặp phải thầy dạy văn chán quá, tôi cũng chán bỏ luôn môn văn, vốn là đam mê của mình và quay sang toán, lý. Có lúc điên lên, bắt Huy Châu, Duy Tân... cùng mình hì hục làm thí nghiệm nấu xà phòng, rồi chế tạo pin không khí theo sách Trung Hoa mà tôi dịch ra. Cuối năm lớp 9, nghe bạn rủ rê, tôi trốn nhà đi thi điện ảnh, cùng hội Thanh Mai, Hồng Sĩ… Cứ tưởng là được đi Đức học kỹ thuật, không ngờ lại bị trúng tuyển vào ngành nghệ thuật đóng phim. Học được ba bốn tháng, thầy giáo dạy lý không thấy tôi nhập học (tôi vốn là học trò cưng của thầy), bèn đi tìm và mách bố tôi, lôi về, bắt đi học tiếp lớp 10. Thế là làm diễn viên bất thành, không biết may hay là rủi. Lúc về học lại thì bọn Huy Châu, Duy Tân đã quay về Chu văn An rồi. Huy Châu với Xuân Thiên và tôi vốn là ba đứa trong nhóm tâm giao lúc ở Quế Lâm, rất thân nhau. Sau này hai bạn đi theo đường binh nghiệp, tôi là thằng lãng tử, vô hại, cho nên luôn là nơi để hai bạn thổ lộ chuyện oái ăm về mối tình đơn phương của cả hai người cùng với chỉ một bóng hồng ở làng ta. Không biết bạn gái đó bây giờ ở đâu, bạn có biết chuyện này không. Nhưng dù biết, dù không thì cũng đáng tự hào lắm vì các bạn đã dệt nên một thiên diễm tình trong trắng, lãng mạn đắm say. Nói đến chuyện tình yêu, tôi thường tự hỏi sao dân làng mình nam thanh nữ tú nhiều thế mà ít nên duyên. Chỉ có hai cặp thanh mai trúc mã K5 là nên nghĩa vợ chồng. Đó là cặp đôi Hương Mạch - Hoàng Thắng và Lệ Tiến - Nghiệp Chí. Cảm thương thay cho cuộc đời vần xoay. Xuân Thiên phong lưu, đa tình là thế mà đành gục ngã trước bạo bệnh ở tuổi tráng niên, khi đường công danh đang rộng mở. Hoàng Thắng để Hương Mạch ở lại một mình khi bạn chưa hưởng trọn tuổi trời. Lệ Tiến, thương thay đã ra đi khi chưa đến tuổi 30 rực rỡ, để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn bè. Nghĩ đi thì hận trời xanh kia sao ngoảnh mặt với kẻ giàu tình, nặng nghĩa. Nghĩ lại thì hiểu mọi thứ trên đời này đã được tạo hóa lập trình rồi, chỉ có điều chúng ta không biết được nó lập trình thế nào mà thôi. Trời kêu ai, người nấy dạ!
1958, năm đầu tiên về lại đất nước. Mùa hè đó, tôi về quê. Việc đầu tiên nhất định phải làm là đi tìm lại mộ mẹ và cải táng đưa về quê. Sau khi bị bom, mẹ tôi bị thương nặng, phải thuê thuyền dọc theo sông Ngàn Sâu qua sông La để sang sông Lam đến thủ đô kháng chiến Thanh Chương Nghệ An, nơi có quân y viện để cứu chữa. Con đường sông dài hơn 300 km, nhưng đi được đến đoạn giữa sông La (Đức thọ) thì mẹ tôi qua đời trên thuyền. Anh tôi, 15 tuổi, ôm mẹ khóc lạy nhà thuyền xin quay lại nhưng không được. May nhờ dân làng thương tình giúp đỡ kêu xin, họ cho thuyền về gần quê ngoại, giúp đỡ mai táng trên bờ, cách nhà tôi khoảng 150 km. Hai anh em tôi khăn gói đi bộ hai ngày đêm, băng rừng tìm đến được nơi chôn cất. Tấm mộ chí bằng gỗ anh tôi khắc tạm lúc chôn vẫn còn. Tôi nghe nói rằng người mẹ không gặp con khi tắt thở thì khi người con có mặt lúc cải táng mẹ sẽ hiện về cho con nhìn mặt trong chớp mắt. Tôi hồi hộp mong chờ được thấy lại bóng hình mẹ năm xưa. Than ôi, chỉ thêm đau lòng nhìn những hài cốt, bọc trong áo quần mục nát tả tơi, duy chỉ mái tóc dài là còn nguyên vẹn. Anh em chúng tôi lại thay nhau gánh hài cốt mẹ, xuyên rừng cắt lối đi suốt hai ngày đêm, không dám nghỉ ở gần nhà dân nào, đưa được mẹ về quê nội, an nghỉ trên một ngọn đồi lộng gió, phía xa xa là một ngôi chùa nhỏ thanh vắng. Nhìn cảnh chùa, chợt nhớ câu thơ đã đọc thời thơ ấu, nay bỗng vận vào mình:
…Chuông chùa lạnh rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời!
Quý Tị 1953 - Quý tị 2013, 60 năm, một lục thập hoa giáp. Các bậc cao niên tiền bối đã lần lượt khuất bóng. Các bạn K5, cũng như tôi bây giờ đều là bậc Hoa giáp Trưởng lão trong dòng tộc. Năm nay, họ Trần cử tôi giữ ghế Trưởng lão để tu bổ tôn tạo nghĩa trang dòng họ, nơi có mộ mẹ và ông nội tôi. Ông ơi, cháu lại về, cháu học được chữ Hán và nhiều thứ nữa, nhưng không còn được đọc những bộ sách thuốc, sách kinh sử quý giá mà ông đã gìn giữ. Linh vật gia bảo cũng không còn. Những thứ mà bao đời vật đổi sao dời, triều lên đại xuống, Tây qua, Nhật lại vẫn không mất. Bão lũ mưa nguồn không cuốn được đi. Thế mà chỉ một đêm cải cách ruộng đất, những thứ “văn hóa phong kiến bóc lột” này không đốt đi thì để làm gì. Thế là hết, cả bộ quan tài ông đã đóng sẵn, lúc bé cháu vẫn chui vào nghịch cũng bị cướp đi rồi. Thương Ông mù lòa, bị đấu tố, vây hãm, chết đói cô đơn ở tuổi 85, phải quấn chiếu mang chôn. Ông ơi, giờ cháu đã về đây, cháu chỉ có thể đắp lại nấm mộ ông cho đẹp đẽ khang trang thôi. Dù không ai cho phép cháu thay mặt, nhưng cháu vẫn xin tạ tội với ông. Cháu đã sang tận Lư sơn - Quế Lâm để học điều khôn lẽ phải, chúng cháu là hạt giống đỏ mà. Nhưng giờ cháu mới ngộ ra rằng, hạt giống tốt là quan trọng, nhưng nếu quá cô đơn trong cỏ dại, trong hằng hà sa số hạt giống bệnh, thì cuối cùng bệnh sẽ lây sang tất cả và chết hết, chỉ còn trơ một cánh đồng cỏ dại mà thôi!
Năm 1966, đã 24 - 25 tuổi rồi, trong một đợt chỉnh huấn lớn trước khi đi nhận công tác, tôi được một vị lãnh đạo gọi lên:
- Ngày mai tổng kết, chúng tôi nhất trí chọn cậu lên báo cáo điển hình
- Sao lại thế, thưa anh. Em đâu có phải là đảng viên, là cán bộ cốt cán.
- Không sao, chúng tôi biết cậu có thù sâu với giặc, gia đình nghèo khổ vất vả từ tấm bé mà cố gắng vươn lên được như ngày nay là một điển hình…
- Thưa anh, không phải đâu ạ
- Cậu đừng từ chối nữa, chúng tôi nghiên cứu lý lịch cậu rồi
- Vâng thưa anh, đúng là lý lịch có thế thật. Nhưng em sự thật không khổ đâu. Tuy mẹ em bị giặc giết hại, nhưng em vẫn được học hành rất đầy đủ. Em có bạn bè, thầy cô như gia đình, lại được nuôi dạy từ bé ở Quế Lâm, chẳng thiếu thứ gì. Em có được như ngày nay là nhờ những ngày thơ ấu ở đó. Em không dám nhận đâu…
May quá, thế là tôi thoát! Chuyện thật như đùa. Các bạn có tin không?
Chào các bạn, nhớ đến mình nhé, Xuân Hoài đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét